Thông tin tại giao ban báo chí Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội chiều 19/3, Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội cho hay, những năm qua, với việc đồng bộ các giải pháp từ hạ tầng tới chính sách, ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố đã giảm đáng kể. Từ 124 điểm đen ùn tắc vào năm 2010 giảm xuống còn 44 điểm năm 2015, và năm 2017 còn 41 điểm.
Tuy vậy, ùn tắc giao thông ngày càng có chiều hướng diễn biến phức tạp trong những năm gần đây, bên cạnh việc giải quyết được các điểm ùn tắc cũ lại phát sinh các điểm ùn tắc mới.
Một trong những nguyên nhân chính là do hạ tầng không theo kịp tốc độ phát triển quá nhanh của phương tiện cá nhân. Chính vì vậy, UBND TP Hà Nội đã xây dựng Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030” trình HĐND TP Hà Nội xem xét. Tháng 4/2017, HĐND TP đã thông qua và ban hành Nghị quyết số 04/2017/NQ - HĐND về việc thực hiện Đề án này.
Để triển khai thực hiện Nghị quyết, Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 212/KH - UBND với 37 nhiệm vụ; trong đó có nhiệm vụ xây dựng Đề án “Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030”.
Ông Vũ Văn Viện khẳng định, việc xây dựng Đề án nêu trên đang được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng. Đề án phải đảm bảo nguyên tắc: Tuyến và khu vực hạn chế hoạt động xe máy phải có hệ thống vận tải khách công cộng và các phương tiện giao thông thay thế đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.
Vấn đề hạn chế phương tiện cá nhân trong đó có xe máy và ô tô đã được Hà Nội đề cập từ khá lâu chứ không phải mới đây. Như với ô tô, từ năm 2013, Hà Nội đã có Quyết định 06 ban hành quy định về hoạt động của các phương tiện giao thông trên địa bàn thành phố. Quyết định này đã phân vùng hoạt động của ô tô theo tuyến và theo giờ.
“Để dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030, TP Hà Nội sẽ có giải pháp cụ thể, thực hiện từng bước, có lộ trình chứ không phải đùng một cái đến năm 2030 là cấm xe máy ra vào trung tâm. Hơn nữa, đây là chủ trương chung của Chính phủ, đã có chỉ đạo cụ thể chứ không phải Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tự nghĩ ra và triển khai” - ông Viện nhấn mạnh.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cam kết: Việc thực hiện cấm xe máy, ô tô sẽ có lộ trình, đảm bảo hài hòa, vì lợi ích chung của Nhân dân chứ không có động cơ, mục đích cá nhân nào. Khu vực, tuyến đường thực hiện cấm xe máy sẽ phải có hạ tầng đầy đủ, giao thông công cộng đảm bảo đáp ứng nhu cầu đi lại cho Nhân dân.