Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội hân hoan chào đón 2013

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Năm 2012 đi qua, năm 2013 "gõ cửa" Hà Nội trong không khí phấn chấn và nhộn nhịp khác hẳn ngày thường. Dù chịu ít nhiều ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, dù không có lễ hội hoa quanh Hồ Gươm, nhưng năm nay, người Hà Nội vẫn đón chào năm mới đầy chan hòa và phấn khởi.

Ngày cuối cùng của năm cũ

Không khí năm mới đã ùa vào lòng Hà Nội cả tuần nay, nhưng có lẽ bản hòa tấu của phố phường chào đón năm mới, thực sự âm vang trong ngày cuối cùng của năm cũ. Dù nhiệt độ tại Hà Nội xuống dưới 15 độ C, nhưng cả ngàn người vẫn đổ về khu trung tâm trong xúng xính khăn áo và rạng rỡ nét mặt. Dư âm của đêm biểu diễn nghệ thuật tại sân khấu dựng trước tượng đài Lý Thái Tổ tối 30/12 vẫn rộn ràng tới tận sáng hôm sau. Và lại càng rộn ràng hơn vì nghệ thuật và âm nhạc lại tiếp tục đồng điệu trong một buổi trình diễn mới. "Hội xuân" mà những người làm văn hóa Hà Nội mang đến cho người dân là sự tưng bừng ấy. Bởi góp mặt ở địa điểm trung tâm này còn có tới 40 "khoang" trưng bày, giới thiệu các sản phẩm làng nghề tinh xảo của đất Thăng Long.

Tại quảng trường Nhà hát Lớn, lễ hội đón chào năm mới 2013 được mở ra trên một sân khấu hoành tráng. Các DJ nổi tiếng thế giới cùng các ca sỹ hòa nhịp trong những màn trình diễn nhạc nước và nghệ thuật ánh sáng. Có lẽ chưa một lễ hội nào ở Hà Nội lại có số lượng kỷ lục các nghệ sỹ xiếc, nhào lộn quốc tế tham gia nhiều đến vậy. Thế nên không khí tưng bừng càng được khơi lên trong niềm phấn khởi khó tả của người dân khi năm mới đang "gõ cửa". Sáng 31/12, tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, làng Lệ Mật (quận Long Biên) đã tổ chức chương trình văn nghệ đặc sắc với múa trống hội, múa lân, múa rồng, lễ hội đường phố... để đón chào năm mới.   

Hà Nội hân hoan chào đón 2013 - Ảnh 1

Tiết mục biểu diễn nghệ thuật của làng Lệ Mật, quận Long Biên tại tượng đài Lý Thái Tổ.  Ảnh: Thanh Hải

Quả thực, không chỉ giới trẻ, mà cả những bậc trung niên cũng hồ hởi trong không khí lễ hội. Hình ảnh dễ bắt gặp trong ngày cuối năm này là cả sự ấm áp của một gia đình 2 - 3 thế hệ dắt nhau vào hội. Trẻ em được người lớn dắt tay, đứa được bố kiệu trên vai đứng xem biểu diễn, đi vào các khu phố trưng bày giới thiệu sản phẩm, vào các khu trung tâm thương mại, và ghé chân cả vào phố chuyên bán đồ chơi Lương Văn Can… Dù lễ hội hoa không có mặt xung quanh hồ Hoàn Kiếm như mọi năm, nhưng bù lại, người Hà Nội có thêm nhiều điểm để "ghé chân" khi năm mới đến.

Ngoài những hoạt động đón chào năm mới ở khu trung tâm kia, Ban quản lý phố cổ còn mở thêm nhiều trưng bày giới thiệu về di sản của đất Hà Nội. Cụ thể, tại Đình Kim Ngân (42-44 Hàng Bạc) giới thiệu, trưng bày tranh của họa sĩ Sĩ Tốt và gia đình; tại đình Đồng Lạc (38 Hàng Đào) giới thiệu làng nhiếp ảnh truyền thống Lai Xá; tại ngôi nhà di sản 87 Mã Mây giới thiệu tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống...Không chỉ người dân nội thành nô nức đi hội, mà người dân ngoại thành cũng hồ hởi không kém trong ngày cuối cùng của năm cũ, để "đếm ngược" thời gian đến năm mới. Bởi ở tất cả các trung tâm xã, huyện, thị trấn đều có các buổi biểu diễn nghệ thuật của các đoàn chuyên nghiệp và không chuyên để đón chào năm mới.  

Hà Nội hân hoan chào đón 2013 - Ảnh 2

Đường phố Hà Nội được chỉnh trang phong quang, sạch đẹp để chào đón 2013. Ảnh: Phạm Hùng

Đếm ngược đến năm mới 2013

Từ khoảng 17 giờ chiều ngày 31/12, tuy nhiệt độ xuống thấp, các phương tiện đã nối đuổi nhau đến khu vực Hồ Gươm, nhiều người đã gửi xe từ xa để đi bộ vào khu vực trung tâm. Chị Phan Thu Thủy (ở phố Nguyễn Thái Học) chia sẻ: "Gia đình tôi đã đi bộ từ nhà vào đây vì không muốn góp phần tắc đường. Dù chồng phải cõng cô con gái một quãng đường khá xa nhưng chúng tôi cảm thấy rất vui. Gia đình tôi đang mong đợi đến lúc đếm ngược và hòa vào thời khắc giao thừa thiêng liêng". Có vẻ như ai cũng mang trong mình tâm trạng phấn chấn, hồi hộp trước mùa xuân mới đang về. "Tết Dương lịch bạn bè đều về quê cả, nhưng tôi vẫn cố nán lại Hà Nội kiếm mấy việc làm thêm, tích lũy tiền để tết âm lịch còn về nhà. Ban ngày làm việc, buổi tối tôi lại tự bù cho mình bằng việc dạo quanh phố xá, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Tết năm nay có vẻ trầm lắng, nhưng tôi vẫn cảm nhận được không khí thiêng liêng của thời khắc này" - Nguyễn Xuân Tùng, sinh viên năm 3, Đại học Xây dựng bày tỏ.

19 giờ, tháp Rùa lung linh, cầu Thê Húc rạng rỡ. 20 giờ, Quảng trường Cách mạng Tháng Tám nhộn nhịp, sống động hơn với chương trình nghệ thuật "Hồng Hà tự khúc" và chương trình Đếm ngược chào năm mới tiếp nối ngay sau đó. Đây chính là bữa tiệc nghệ thuật trong thời khắc chuyển giao năm cũ, đón chào năm mới. Với các tiết mục mang hơi thở, không khí mùa xuân, song cũng rất sâu lắng, trữ tình, da diết tình yêu Hà Nội như: "Sóng đàn Hà Nội", "Hà Nội linh thiêng hào hoa", "Hồng Hà tự khúc", "Tiếng dương cầm", "Một ngày mới", "Khúc Xuân"… được thể hiện trong 3 chương: "Bên dòng sông đỏ", "Lung linh hồ Gươm" và "Nhịp sống mới". Khán giả không khỏi trầm trồ trước màn vẽ tranh cát của họa sĩ Thế Nhân trên nền ca khúc "Hồng Hà tự khúc". Đôi tay điêu luyện của anh đã đưa người xem từ hình tượng sông Hồng với một vệt cong dài biến thành chú Rồng mang trên mình chữ 1000 năm Thăng Long (Thăng Long viết bằng chữ Hán) bay lên. Tiếp đến là hình ảnh sông Hồng nổi sóng tượng trưng cho những cuộc đấu tranh trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Rồi hình ảnh vua Lê Lợi trả gươm cho rùa thần, hình ảnh chú rùa đội bia tiến sĩ và Khuê Văn Các khiến người ta liên tưởng đến biểu tượng văn hóa và bề dày văn hiến của người Việt Nam.

Hà Nội hân hoan chào đón 2013 - Ảnh 3

Khách du lịch tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám sáng 31/12/2012. Ảnh: Linh Anh

Cả ngàn người ngập tràn niềm hứng khởi trong âm điệu rộn ràng và đầy niềm tin của những khúc ca về Hà Nội. Người chưa quen biết cũng chợt nắm tay nhau, hòa chung tiếng ca chào một năm mới đang về. Bên cạnh những người tưng bừng ra phố đón năm mới, cũng có người chọn cách sum họp đông đủ bên mâm cơm xem "Hồng Hà tự khúc" và đón giao thừa. Ở khu vực ngoại thành, đêm 31/12 tại một số Nhà văn hóa xã thuộc các huyện Đông Anh, Từ Liêm, Thường Tín, Phúc Thọ, thị xã Sơn Tây… cũng diễn ra nhiều chương trình văn nghệ chào năm mới. Tuy hầu hết các tiết mục đều do những nghệ sĩ không chuyên tại địa phương biểu diễn nhưng vẫn nhận được sự quan tâm của nhiều người. Tại xã Ba Vì, huyện Ba Vì, (nơi có 98% dân số là người Dao) đây cũng là thời điểm người Dao bắt đầu tổ chức tết Nhảy và lễ Cấp sắc nên không khí trở nên sôi động bởi các hoạt động vui chơi, lễ hội...

Giao thừa cận kề, quảng trường Nhà hát Lớn như vỡ ra trong tiếng đếm ngược đón năm mới của cả ngàn người. "Mười, chín, tám…." và "Happy new year", năm 2013 đã bắt đầu. Không khí đón chào năm mới càng cho người ta thấy sự hướng ngoại của người Hà Nội hiện đại - đón Tết nơi công cộng trong thời buổi giao lưu và hội nhập văn hóa. Xin chào năm mới 2013!