Tháo gỡ vốn, đẩy mạnh tìm kiếm thị trường
Theo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hà Nội Nguyễn Minh Tuấn, trong năm 2020, đơn vị tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện… triển khai chương trình kết nối ngân hàng - DN, hỗ trợ tín dụng lãi suất thấp. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn chủ động rà soát, thống kê dư nợ cho vay bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid 19; kịp thời thực hiện các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân theo quy định. NHNN Chi nhánh TP Hà Nội cũng yêu cầu các TCTD trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp huy động vốn, tăng cường tiếp cận khách hàng có nguồn vốn nhàn rỗi nên nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn có xu hướng tăng so với cuối năm 2019.
Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn cho biết, nhằm khắc phục những tác động bất lợi của dịch Covid 19 đối với công tác thu ngân sách Nhà nước và hỗ trợ DN, ngành thuế Hà Nội sẽ triển khai tốt các đề án cải cách hành chính, và các đề án thuế điện tử, trong đó tập trung triển khai đề án hóa đơn điện tử đúng lộ trình, hoàn thành trước thời hạn. Triển khai thí điểm việc mở rộng và tổ chức hình thức thu điện tử, không dùng tiền mặt đối với các khoản thu từ các cá nhân. Chủ động thực hiện khảo sát, đánh giá về tác động của dịch Covid 19 đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, người nộp thuế để có biện pháp tháo gỡ phù hợp, đúng đối tượng.
Trong khi đó, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết, Sở đã và đang đẩy mạnh việc phối hợp chặt chẽ với Cục Xuất nhập khẩu và các đơn vị của Bộ Công Thương, 57 Thương vụ Việt Nam trên toàn thế giới tăng cường hỗ trợ các DN tìm nguồn nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu, vật tư, linh phụ kiện đầu vào sản xuất để thay thế trong trường hợp nguồn cung bị ảnh hưởng của dịch bệnh (nhất là các nguyên liệu ngành dệt may, da giày, điện tử, ...); triển khai các chương trình kết nối DN Hà Nội với DN các tỉnh, TP nhằm hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau. Bên cạnh tìm kiếm nguồn cung, Sở rà soát, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu… Về phía các DN việc liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, sử dụng sản phẩm của nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh để giảm mức phụ thuộc vào nguồn lực từ bên ngoài cũng được đẩy mạnh.
Số doanh nghiệp thành lập mới tăng
Bên cạnh các cơ chế, chính sách hỗ trợ được thực hiện từ năm 2018, như hỗ trợ phí công bố nội dung đăng ký DN lần đầu, phí làm con dấu cho DN thành lập mới và DN chuyển đổi từ hộ kinh doanh (dự kiến kinh phí hỗ trợ trong năm 2020 khoảng 40 tỷ đồng)... Sở KH&ĐT Hà Nội tiếp tục đề xuất trao quyền tự quyết về con dấu (số lượng, hình thức, nội dung) cho DN; bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu DN; nghiên cứu đề xuất bãi bỏ quy định DN phải báo cáo định kỳ 6 tháng về tình hình lao động...
TP đặc biệt quan tâm hỗ trợ DN vừa và nhỏ. Theo Giám đốc Trung tâm hỗ trợ DN nhỏ và vừa Hà Nội Lê Văn Quân, TP đã triển khai chương trình tổng thể hỗ trợ DN, từ đào tạo nguồn nhân lực, khởi nghiệp kinh doanh đến ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, xúc tiến thương mại... "Trong bối cảnh dịch Covid-19, Trung tâm cũng vừa đưa vào vận hành Cổng thông tin hỗ trợ DNNVV, tại địa chỉ: www. hotrodoanhnghiep.hanoi.gov.vn nhằm tăng cường tư vấn, cung cấp thông tin thị trường và quảng bá hình ảnh DN theo hình thức trực tuyến"- ông Quân nói.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động đến hầu hết các lĩnh vực, việc thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (ngày 4/3/2020) về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19 đang được các cấp, ngành của Thủ đô đẩy mạnh. Tuy nhiên, các DN cũng cần đổi mới, tái cơ cấu mạnh mẽ, thay đổi về quản trị, chiến lược phát triển, đổi mới cơ cấu, tìm kiếm sản phẩm mới, sản phẩm thay thế. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và đầu tư nghiên cứu, phát triển sản phẩm có giá trị kinh tế cao hơn. Khi DN chủ động, linh hoạt trong việc thích ứng với rủi ro thì mức độ thiệt hại sẽ thấp hơn và các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước mới phát huy được hiệu quả.