Hà Nội: Hỗ trợ kịp thời cho người gặp khó khăn

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 khiến người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn, thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, Nghị quyết 116/NQ-CP, Nghị quyết 15/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội, đến nay, Hà Nội đã có trên 5.300.000 lượt đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được phê duyệt hỗ trợ tiền mặt và cho vay với tổng kinh phí trên 6.400 tỷ đồng.

Kết quả trên đã cho thấy, tinh thần khẩn trương, quyết liệt và sự vào cuộc chỉ đạo sát sao, đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ cấp TP đến cơ sở, với quyết tâm giúp người dân sớm được thụ hưởng chính sách, sẻ chia khó khăn, ổn định cuộc sống.
 Hỗ trợ người dân tại gian hàng O đồng ở phường Đội Cấn, quận Ba Đình. Ảnh: Hải Linh
Quận Cầu Giấy đã mang tâm thế hết sức sẵn sàng để thực hiện các chính sách hỗ trợ. “Chiều ngày 22/7/2021 khi TP thông báo Quyết định 3642/QĐ-UBND thì lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy ban hành kế hoạch thực hiện và gửi đến tất cả các phường triển khai. Sáng ngày 23/7 đã có nhiều DN, NLĐ đến UBND phường, phòng LĐTB&XH quận đề nghị hướng dẫn, nộp hồ sơ xem xét hỗ trợ” - Trưởng phòng LĐTB&XH Cầu Giấy Nguyễn Quang Hồng cho hay.

Các quận, huyện khác trên địa bàn TP cũng nhanh chóng, kịp thời thực hiện các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, TP Hà Nội một cách nhanh nhất, kịp thời nhất và theo hướng đối tượng nào đã rõ thì phê duyệt hỗ trợ trước và vận dụng linh hoạt. Nhớ lại thời gian đầu triển khai Nghị quyết 68 và Quyết định 3642 của UBND TP Hà Nội, Trưởng phòng LĐTB&XH Hà Đông Đỗ Minh Loan chia sẻ: Chúng tôi vừa tuyên truyền, vừa ban hành kế hoạch và thu hồ sơ luôn. Với mong muốn việc chi trả tiền đến NLĐ được sớm nhất, những hôm đầu, hồ sơ của lao động tự do rất ít, chúng tôi rút ngắn thời gian giải quyết từ 8 ngày xuống còn 6 ngày; quy trình giải quyết đối với lao động tạm hoãn hợp đồng lao động nghỉ việc không hưởng lương, quy định 4 ngày được giảm còn 3. Đến nay, quận Hà Đông đã ra quyết định hỗ trợ cho 32.183 trường hợp, với tổng số tiền 60.374.855.000 đồng; đạt khoảng 90% trường hợp thuộc diện hỗ trợ theo số lượng dự kiến.

Nhờ được hỗ trợ kịp thời, nhiều người dân gặp khó khăn đã có nguồn sống; khi TP hết giãn cách đã đi làm trở lại, ổn định cuộc sống trong trạng thái bình thường mới. Chị Nguyễn Thị Song (tổ 14, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông) không thể nào quên những ngày giãn cách xã hội vừa qua: Gia đình tôi thuộc hộ cận nghèo, chồng mất vì xơ gan, một mình tôi làm phụ hồ nuôi 3 con ăn học. Những ngày giãn cách, bữa cơm của bốn mẹ con chỉ có món rau. May mắn thay, chúng tôi được phường hỗ trợ 2 triệu đồng và 10 cân gạo, khoai tây, nước mắm, bột canh, dầu ăn để duy trì cuộc sống. Gia đình thật sự xúc động khi phường, quận quan tâm kịp thời; đây là động lực để hiện nay tôi đi bán rau và làm phụ hồ nuôi các con.

Với những chính sách nhân văn của Chính phủ, của TP Hà Nội cùng sự quyết liệt, nhanh chóng hỗ trợ người dân đã lan tỏa đến nhiều tập thể, cá nhân. Với tinh thần “lá rách ít, đùm lá rách nhiều”, nhiều chủ hộ gia đình ở Hà Nội đã ủng hộ tiền, lương thực thực phẩm, giảm tiền nhà cho người thuê là lao động tự do, sinh viên, giáo viên... Có những gia đình giảm tiền nhà lên tới cả trăm triệu đồng, hộ giảm ít cũng vài triệu đồng, giúp cho người kẹt lại Hà Nội cảm thấy ấm lòng và yên tâm chống dịch. Chị Đặng Bích Hạnh - chủ khu nhà trọ ở phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) chia sẻ: Đợt giãn cách xã hội, chồng tôi tạm ngừng việc chỉ được nhận lương cơ bản; nhưng tôi thấy những người thuê nhà gặp khó khăn hơn nên đã quyết định miễn, giảm 13 phòng với tổng số tiền 40.350.000 đồng”.

Đến nay, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP vẫn đang tiếp tục phê duyệt hỗ trợ cho những trường hợp đủ điều kiện theo quy định. Về phía các phường, xã, thị trấn vẫn rà soát những trường hợp gặp khó khăn để hỗ trợ kịp thời. Các địa phương còn huy động các nguồn để giúp hộ nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn đón cái Tết Nguyên đán 2022 đầm ấm và sum họp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần