Hợp tác xã (HTX) Rau cần Khai Thái ở xã Khai Thái (huyện Phú Xuyên) là một điển hình từ mô hình liên kết nông dân trong sản xuất. Chủ tịch HND xã Khai Thái Nguyễn Tiến Cường cho biết: “Toàn xã hiện có 35ha trồng rau cần. Rau cần cho thu hoạch liên tục từ tháng 7 cho đến tháng 3 âm lịch năm sau, trung bình khoảng 35 ngày/vụ. Mỗi lứa cho thu hoạch hơn 1 tấn/sào, mỗi năm thu 7 lứa, đạt khoảng 100 triệu đồng/sào/năm.
Hướng tới xây dựng thương hiệu “Rau cần Khai Thái", các hộ nông dân đã liên kết thành lập HTX Rau cần Khai Thái. Đến nay, mô hình này thu hút 23 hội viên tham gia sản xuất rau an toàn với gần 5.000m2. Trừ các loại chi phí, mỗi hội viên thu lãi 50%, hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa 2 vụ/năm.
Nông dân xã Khai Thái (huyện Phú Xuyên) cấy rau cần vụ mới. Ảnh: Bình Minh |
Ngoài mô hình sản xuất rau cần Khai Thái, Hội Nông dân huyện Phú Xuyên còn hỗ trợ nông dân tham gia nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch. Chủ tịch HND huyện Phú Xuyên Phạm Văn Hùng chia sẻ, từ đầu năm 2021 đến nay, các cấp HND huyện đã tổ chức phát động, hướng dẫn nông dân đăng ký xây dựng 27 mô hình kinh tế tập thể mới, 48 mô hình kinh tế hộ, 13 mô hình nông dân dạy nông dân, 54 tổ hội nghề nghiệp…
Tương tự, các cấp HND huyện Đông Anh cũng đã hỗ trợ nông dân xây dựng nhiều mô hình sản xuất sạch. Chủ tịch HND huyện Đông Anh Ngô Văn Lệ thông tin, từ đầu năm đến nay, các cấp hội đã tổ chức được 23 buổi tập huấn khoa học kỹ thuật về chăn nuôi thú y, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho lúa, rau, cây ăn quả, hoa - cây cảnh cho 2.300 lượt hội viên.
Theo Chủ tịch HND TP Hà Nội Phạm Hải Hoa, từ đầu năm đến nay, HND TP đã cùng các cấp hội tổ chức hơn 100 buổi tập huấn khoa học kỹ thuật cho hơn 10.000 hội viên nông dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả, rau an toàn, chăn nuôi gia súc gia cầm, các biện pháp kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh, cách sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học... Bên cạnh đó, các cấp hội còn tổ chức phát động, hướng dẫn nông dân xây dựng các mô hình kinh tế tập thể đạt hiệu quả cao, đăng ký xây dựng 18 hợp tác xã, 818 tổ hợp tác trong các lĩnh vực (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, kinh doanh dịch vụ...). Nhìn chung, các mô hình sản xuất sạch, liên kết của nông dân đều cho hiệu quả kinh tế khá, trung bình từ đạt 400 triệu đồng đến hàng tỷ đồng/ha/năm.
Để nâng cao thu nhập cho nông dân, đồng thời hướng tới xây dựng những nông dân tư duy mới, nhạy bén với thị trường, HND TP tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn nông dân xây dựng các mô hình phát triển kinh tế tập thể, mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn, hoạt động dịch vụ tư vấn, đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP, nhãn hiệu sản phẩm, cửa hàng giới thiệu nông sản an toàn. Mặt khác, các cấp HND TP đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các hội nghị tọa đàm về xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; khuyến khích, hỗ trợ hội viên nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp an toàn; thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)…