Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội hòa trong xu hướng xây dựng đô thị thông minh và bền vững

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xây dựng đô thị thông minh là một trong những chủ đề nóng được bàn thảo tại Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 diễn ra tại Hà Nội ngày 13/7.

Chia sẻ tại Diễn đàn, Giám đốc Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) Việt Nam Michael Greene nhận định, đô thị thông minh đang trở thành xu hướng.
Với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ, cho tới năm 2050 khoảng 2/3 dân số toàn cầu sẽ sống trong các đô thị, tạo ra thách thức về phát triển bền vững do nguy cơ thiếu việc làm, giao thông quá tải, ô nhiễm môi trường.
Đô thị thông minh và bền vững sẽ là xu hướng trong tương lai 
Trong bối cảnh đó, các chính quyền cần khai thác công nghệ ứng dụng vào phát triển. Các đô thị trên thế giới hướng tới phát triển thông minh, bền vững hơn, đảm bảo an toàn, giúp chính quyền xử lý các thách thức từ tốc độ đô thị hóa.
Theo ông Michael Greene, khu vực ASEAN đang xây dựng mạng lưới đô thị thông minh và tạo hệ sinh thái thông minh trong khu vực, tạo sức mạnh tổng lực. Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh nằm trong số những TP đi đầu thí điểm trong khu vực.
Cốt lõi của đô thị thông minh
Trong khi đó, Trưởng ban phát triển số Ngân hàng Thế giới Samia Melhem đề cập tới việc tận dụng nguồn dữ liệu trong xây dựng đô thị thông minh. "Chính phủ cấp T.Ư tại khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong xây dựng đô thị thông minh, an toàn, dễ tiếp cận", theo bà Melhem.
Việc có một kho dữ liệu mở, từ đó hướng đến các trung tâm phân tích cấp đô thị là rất quan trọng. Nhiều chính quyền TP trên thế giới coi đô thị như một “phòng thí nghiệm sống” với sự tham gia, phân tích và phản hồi tích cực từ người dân cũng như cộng đồng quốc tế. Tiếp đó, chính phủ dành nhiều thời gian thu thập, triển khai và quản lý thông tin để xây dựng kho dữ liệu.
Tuy nhiên, bà Samia Melhem cũng lưu ý việc tích hợp và vận hành các dữ liệu của người dân yêu cầu sự tương tác để tránh sự trùng lặp và đồng nhất. Quá trình này cũng cần có sự hợp tác giữa chính phủ T.Ư và chính quyền địa phương. Các dữ liệu cần được số hóa 100% một cách đồng bộ, nhất quán để được sử dụng hiệu quả trong nghiên cứu dịch vụ. Ví dụ điển hình bà Melhem đề cập là một số quốc gia hướng tới tích hợp và số hóa thông tin cá nhân cơ bản của người  thành vân tay và tiến tới từ bỏ Căn cước bản cứng.
Bên cạnh đó, cũng cần khuyến khích sáng tạo, phát triển mạnh mẽ tư tưởng của giới trẻ, cho họ cơ hội phản hồi và nêu ý kiến. “Không có đô thị thông minh nào trên thế giới chỉ dựa vào công nghệ, mà nền tảng con người rất quan trọng”, Trưởng ban phát triển số Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh.
Về tiến trình xây dựng đô thị thông minh, ông Lê Quốc Hữu - Kiến trúc sư trưởng về Smart City của Tập đoàn Viettel đã đề cập tới “Nền tảng Trung tâm điều hành thông minh” với vai trò cốt lõi.
Công nghiệp 4.0 không chỉ diễn ra trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp mà còn lan tỏa tới đô thị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong đó, một số công nghệ áp dụng vào đô thị thông minh có thể kể đến là chữ ký số, mạng di động 3G, 4G, 5G; trí tuệ nhân tạo (AI)… Quá trình xây dựng đô thị thông minh dựa trên 6 trụ cột bao gồm: Quản trị, Kinh tế, Di chuyến, Con người, Môi trường, Xã hội/Đời sống.
"Trong đó trụ cột Quản trị có tầm quan trọng lớn, bao gồm việc xây dựng Trung tâm điều hành thông minh", theo ông Lê Quốc Hữu. Trung tâm này có nhiều nhiệm vụ, bao gồm giám sát điều hành giao thông, đảm bảo an ninh trật tự, giám sát dịch vụ công, phòng chống thiên tai, ứng cứu khẩn cấp, bảo mật, an toàn thông in, thông tin báo chí, truyền thông, hỏi đáp, tiếp nhận ý kiến phục vụ người dân và phân tích dữ liệu…
Do đó, nền tảng Trung tâm điều hành thông minh (IOC Platform) được coi là phần “lõi” để phát triển thành nền tảng đô thị thông minh sau này. 
 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Nỗ lực của Hà Nội
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định tại Industry 4.0 Summit, TP Hà Nội cũng lựa chọn mục tiêu xây dựng đô thị thông minh bền vững. Việc thực hiện mục tiêu này trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng với những công nghệ nổi bật như in 3D, Thực tế ảo, Điện toán đám mây, Robot, Big data, Block Chain, Trí tuệ nhân tạo. Đây là cơ hội để Hà Nội tìm ra phương thức và bước đi thích hợp nhằm xây dựng đô thị thông minh bền vững.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chia sẻ: “Mô hình đô thị thông minh bền vững mà TP Hà Nội mong muốn hướng tới phải mang lại sự tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân dựa trên nền tảng ứng dụng các công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng công nghệ 4.0”. Hà Nội cũng kỳ vọng tiếp tục nhận được sự hợp tác của giới chuyên gia và chính quyền trong và ngoài nước trong lĩnh vực này.
Đồng quan điểm, Giám đốc USAID Việt Nam Michael Greene cho biết, một trong những ưu tiên hàng đầu của ĐSQ Hoa Kỳ là hỗ trợ các DN Hoa Kỳ khám phá cơ hội hợp tác với Chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân hướng tới cùng phát triển giữa hai nước.
Theo ông Michael Greene, ĐSQ Hoa Kỳ trong 2 năm gần đây đã tích cực phối hợp với chính quyền T.Ư Việt Nam cũng như Hà Nội đưa ra các sáng kiến về đô thị, công nghiệp thông minh hỗ trợ các DN trong nhiều lĩnh vực từ y tế, điện tử, mạng lưới thông minh, ứng phó khẩn cấp đến an ninh mạng.
“Chúng tôi mong muốn thắt chặt quan hệ hơn với chính quyền tạo điều kiện cơ hội cho các DN hai bên trong lĩnh vực này. Xây dựng đô thị thông minh là tiến trình dài hạn và còn nhiều thách thức”, ông Michael Greene chia sẻ.