Hà Nội là điểm đến tin cậy
Trong nhiều năm trở lại đây, Hà Nội luôn đứng hàng đầu trong cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (vốn FDI), nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã rót vốn vào đầu tư vào Thủ đô.
Tiêu biểu là vào cuối tháng 6/2023 vừa qua, Tập đoàn N&G (Việt Nam) và Tập đoàn SEIN I&D (Hàn Quốc) đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng "Tổ hợp Techno Park Việt Nam-Hàn Quốc" tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội.
Được biết, hai bên cùng các đối tác lớn khác sẽ đầu tư xây dựng hạ tầng và các công trình chuyên biệt cho hoạt động phát minh, sáng chế, sản xuất, ứng dụng các sản phẩm micro-chip theo tiêu chuẩn công nghệ cao toàn cầu. Tổ hợp Techno Park Việt Nam-Hàn Quốc có quy mô 200 ha với các phân khu sản xuất, khu nghiên cứu phát triển (R&D), khu nhà ở, khu logistics...
Chủ tịch Tập đoàn N&G - Ông Nguyễn Hoàng cho biết: Việc xây dựng Tổ hợp Techno Park Việt Nam-Hàn Quốc đạt tiêu chuẩn quốc tế tại Hà Nội sẽ thu hút các dự án đầu tư, nghiên cứu phát triển sản phẩm công nghệ cao, nhất là trong lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn. Từ Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội, các nhà đầu tư Hàn Quốc đặt mục tiêu sẽ tiếp tục phối hợp xây dựng các tổ hợp sản xuất tại các địa phương khác, qua đó tăng cường hợp tác đầu tư giữa hai quốc gia.
Theo Sở KH&ĐT Hà Nội, tính chung cả năm 2023, Thủ đô đã thu hút 2.943 triệu USD vốn FDI, trong đó đăng ký cấp mới 408 dự án với số vốn đạt 441 triệu USD. Cùng với đó, có 175 dự án bổ sung tăng vốn với 307 triệu USD; 326 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 2.195 triệu USD (trong đó 1 lượt giao dịch của Nhà đầu tư Nhật Bản Sumitomo mua cổ phiếu của VPBank trên sàn giao dịch chứng khoán với giá trị giao dịch đạt 1.500 triệu USD).
Chỉ tính riêng trong tháng 12/2023, Hà Nội thu hút 255,5 triệu USD vốn FDI. Trong đó gồm: 27 dự án được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 81,9 triệu USD; có 18 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn đăng ký tăng thêm đạt 37 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần cổ phần 24 lượt, đạt 136,6 triệu USD.
Hiện nay TP đang có 10 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, đang thu hút trên 700 dự án đầu tư với 302 dự án FDI, số vốn đăng ký khoảng 6,7 tỷ USD; trong đó, các dự án có vốn đầu tư Nhật Bản chiếm khoảng 60% tổng vốn đăng ký đầu tư (trên 4 tỷ USD) hoạt động chủ yếu tập trung vào các ngành nghề: Sản xuất linh kiện điện, điện tử, cơ khí, chế tạo ... với 1 số doanh nghiệp lớn như: Canon, Yamaha, Meiko, Hoya… Các doanh nghiệp đều hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định và mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội.
Các nước có số dự án đầu tư lớn vào Hà Nội là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, châu Âu và Mỹ... Dự án tập trung vào các lĩnh vực như kinh doanh bất động sản; công nghiệp chế biến chế tạo; xây dựng; dịch vụ giải trí, lưu trú và ăn uống; y tế và giáo dục...
Những yếu tố giúp Hà Nội dẫn đầu các tỉnh, TP về thu hút vốn đầu tư nước ngoài gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Là Thủ đô của cả nước, với lợi thế cạnh tranh kinh tế - xã hội phát triển bền vững, nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao, thị trường tiềm năng, dịch vụ đa dạng, không chỉ cho thấy vị thế “đất lành chim đậu”, yếu tố chủ quan là Hà Nội được đánh giá cao về cơ sở hạ tầng, chi phí thời gian, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, luôn sát cánh hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp.
Để đẩy mạnh chuyển đổi số hơn nữa thì cần phải có các giải pháp tổng thể. Vì thế, tại Điều 25, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đưa ra nhiều nội dung cụ thể nhằm phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Cụ thể, khoản 2 điều 25 nhấn mạnh: Doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ được hỗ trợ từ ngân sách Thành phố để mua sắm, vận hành máy móc, thiết bị phục vụ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm của Thủ đô; được nhận chuyển giao không bồi hoàn tài sản, kết quả, sản phẩm hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ; doanh nghiệp được hưởng ưu đãi tương tự như doanh nghiệp công nghệ cao trong thời gian thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm của Thủ đô;
Bên cạnh đó, doanh nghiệp, tổ chức khoa học công nghệ được hỗ trợ một phần kinh phí từ ngân sách Thành phố để hình thành các trung tâm nghiên cứu và phát triển, phòng thí nghiệm thuộc các lĩnh vực trọng điểm của Thủ đô.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở KH&ĐT Hà Nội, kết quả đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ còn hạn chế. Việc thu hút các dự án FDI có sử dụng đất gặp nhiều khó khăn do thủ tục chuẩn bị đầu tư và triển khai dự án kéo dài. Quỹ đất sạch, nhà xưởng đáp ứng điều kiện cho thu hút đầu tư mới, mở rộng nhà máy rất hạn chế.
TP chưa thu hút được các dự án quy mô lớn trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn, có giá trị gia tăng cao. Quy mô vốn đầu tư/dự án có xu hướng giảm xuống. Mức vốn thực hiện chỉ chiếm gần 50% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Ngoài ra, việc xây dựng và thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư của TP tại nước ngoài gặp khó khăn. Việc xây dựng danh mục dự án, quảng bá môi trường đầu tư Hà Nội đáp ứng về số lượng, nhưng các thông tin cơ bản để kêu gọi đầu tư như ranh giới, hiện trạng sử dụng đất, quy hoạch, cơ chế tài chính thực hiện… còn thiếu và hạn chế, vì vậy chưa thu hút các nhà đầu tư quan tâm.
Để đẩy mạnh thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội - Ông Nguyễn Ngọc Tú cho biết, TP Hà Nội cho biết sẽ chủ động thu hút FDI có chọn lọc, bảo đảm chất lượng, bảo vệ môi trường; ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, giá trị gia tăng cao và có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất gắn với đào tạo nhân lực.
TP sẽ thu hút FDI theo chiều sâu, gắn với mục tiêu phát triển bền vững; tập trung vào lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, xây dựng thành phố thông minh, công nghiệp hỗ trợ sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường…; tiếp cận để nhận đầu tư từ các công ty, tập đoàn trong lĩnh vực công nghệ cao; nâng cao năng lực quản lý và hiệu quả trong lĩnh vực công nghệ chế biến, chế tạo.
Đồng thời, Hà Nội sẽ tiếp tục đổi mới xúc tiến đầu tư, xác định rõ các thị trường, quốc gia trọng điểm, tập đoàn lớn để giới thiệu tiềm năng, lợi thế của TP; chú trọng thúc đẩy xúc tiến đầu tư tại chỗ.
Ngoài ra, Hà Nội ưu tiên xúc tiến đầu tư một số lĩnh vực mang lại giá trị gia tăng trong thời gian tới như nông nghiệp, du lịch, giáo dục - y tế, những ngành then chốt như dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sinh học…
Với những phương án cụ thể hy vọng, Hà Nội sẽ thu hút được nhiều vốn FDI để phát triển công nghệ cao trong thời gian tới.