Với khoảng 10 triệu dân đang sinh sống, làm việc, học tập trên địa bàn và hàng năm đón hàng triệu du khách trong nước, quốc tế thăm quan, làm việc, do đó, nhu cầu tiêu dùng nông sản của Hà Nội là rất lớn. Theo thống kê, ước tính nhu cầu tiêu dùng đối với một số nhóm hàng nông lâm thủy sản thiết yếu của thành phố mỗi tháng khoảng 96.650 tấn gạo, thịt lợn khoảng 19.500 tấn, thịt bò khoảng 5.350 tấn, thịt gà khoảng 6.500 tấn, trứng gia cầm khoảng 130 triệu quả, thủy sản khoảng 19.250 tấn...
Khả năng tự sản xuất, cung ứng các sản phẩm nông lâm thủy sản của Hà Nội cơ bản đáp ứng đối với các sản phẩm thịt gia cầm, trứng gia cầm, các nông sản thực phẩm khác khả năng đáp ứng khoảng 60%. Lượng hàng hóa nông sản còn thiếu và các sản phẩm đặc sản vùng miền phục vụ nhu cầu đa dạng của người dân Thủ đô, khách du lịch được các kênh phân phối, doanh nghiệp, siêu thị, đơn vị Hà Nội khai thác từ các tỉnh, thành phố và một phần nhập khẩu.
Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nông sản, thực phẩm và đảm bảo ATTP cho người dân, Sở NN&PTNT Hà Nội và 43 tỉnh, thành phố đã chủ động kết nối, phát triển 997 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, tăng 51 chuỗi so với năm 2022. 100% các chuỗi cung cấp từ các tỉnh, thành phố, của Hà Nội đều được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, hoặc tương đương.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường đánh giá, Hà Nội là một trong 2 thành phố lớn của cả nước tiêu thụ lượng lớn sản phẩm nông lâm thủy sản. Việc thiết lập và triển khai các chuỗi giá trị nông lâm thủy sản chất lượng, an toàn mang tính liên tỉnh có sự tham gia của tất cả các địa phương là rất cần thiết với mục tiêu phát triển Nông nghiệp Thủ đô, là một phần quan trọng tạo động lực phát triển cho nông nghiệp cả nước.
Công tác phối hợp giữa Sở NN&PTNT Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong công tác nâng cao chất lượng, ATTP, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ thực phẩm nông lâm thủy sản được thực hiện thường xuyên, hình thức đa dạng. Qua đó góp phần đảm bảo nguồn cung các sản phẩm nông lâm thủy sản, ổn định thị trường, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản phát triển.
Việc xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng đảm bảo ATTP giúp tăng cường mối liên kết giữa các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến với hệ thống phân phối, giúp cơ sở sản xuất chủ động được đầu ra và nguồn hàng, hình thành các chuỗi liên kết bền vững, ổn định.
Mặt khác, công tác phối hợp quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra chất lượng, ATTP, quản lý nhà nước lĩnh vực nông nghiệp trong và ngoài Thành phố được tăng cường, có trọng tâm, trọng điểm. Từ đó ngăn chặn, xử lý nhiều các vi phạm trong lĩnh vực chất lượng, ATTP, kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục các kiến thức, các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP.