Hà Nội kêu gọi tham gia Mạng lưới các không gian văn hóa sáng tạo của thành phố
Kinhtedothi - Chiều 6/5, tại Trung tâm điều phối hoạt động sáng tạo, trong khuôn viên Bảo tàng Hà Nội, TP Hà Nội tổ chức gặp mặt các không gian văn hóa sáng tạo, các cá nhân tư nhân và công lập với sự tham gia của đại diện nhiều quận, huyện, trường đại học, viện nghiên cứu, cơ quan văn hóa nước ngoài tại Hà Nội.
Sự kiện nhằm chính thức kêu gọi các nhóm và tổ chức văn hóa sáng tạo đăng ký trở thành thành viên Mạng lưới không gian văn hóa sáng tạo Hà Nội, đồng thời giới thiệu về hoạt động của Trung tâm điều phối các hoạt động sáng tạo Hà Nội.
Kết nối các nguồn lực sáng tạo
Tại buổi gặp mặt, đại diện các không gian văn hóa sáng tạo, các tổ chức, đơn vị liên quan đã tham quan các không gian sự kiện trong nhà và ngoài trời của Trung tâm điều phối các hoạt động sáng tạo Hà Nội. Đồng thời cùng trao đổi về các ý tưởng, tiềm năng hợp tác trong tương lai.

Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà trao đổi tại sự kiện.
Trung tâm điều phối các hoạt động sáng tạo Hà Nội là cơ quan điều phối được Sở VH&TT giao cho Bảo tàng Hà Nội thực hiện, có chức năng thúc đẩy các hoạt động sáng tạo; kết nối các nguồn lực sáng tạo ở địa phương và quốc tế; giới thiệu, chia sẻ, hỗ trợ triển khai thí điểm các ý tưởng trong lĩnh vực sáng tạo…
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Jonathan Baker khẳng định, việc Hà Nội kêu gọi tham gia Mạng lưới các không gian văn hóa sáng tạo của TP là động thái quan trọng nhằm kết nối, công nhận và hỗ trợ những tác nhân sáng tạo đa dạng định hình nên nền văn hóa của TP mỗi ngày.

Giới thiệu về Trung tâm điều phối các hoạt động sáng tạo Hà Nội.
Ông cũng cho rằng sự ra đời của Trung tâm điều phối các hoạt động sáng tạo Hà Nội, với sự chỉ đạo của Sở VH&TT Hà Nội cũng như sự hỗ trợ của Văn phòng UNESCO tại Việt Nam sẽ cung cấp nền tảng thể chế vững chắc nhằm hỗ trợ việc học tập, hợp tác, đối thoại chính sách cho cộng đồng sáng tạo.
“Chúng tôi khuyến khích tất cả các không gian sáng tạo lớn và nhỏ, công cộng và độc lập tham gia vào hệ sinh thái đang phát triển này. Ý tưởng, tiếng nói và biểu đạt văn hóa của bạn là điều cần thiết để định hình tương lai sáng tạo của Hà Nội” –ông Jonathan Baker nói.
Ngay tại sự kiện, Hồ sơ đăng ký tham gia Mạng lưới không gian văn hóa sáng tạo Hà Nội được gửi ra một cách chính thức và được công bố trên các trang Thành phố sáng tạo Hà Nội. Dự kiến vào tháng 6, Lễ công bố và trao chứng nhận thành viên Mạng lưới thành phố sáng tạo sẽ diễn ra tại Hà Nội.

Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Jonathan Baker phát biểu tại sự kiện.
Các không gian văn hóa sáng tạo khi tham gia thành viên Mạng lưới sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế theo quy định; hỗ trợ kết nối công tác tuyên truyền, quảng bá các hoạt động của không gian trên hệ thống trang chính thức Thành phố sáng tạo Hà Nội và các cơ quan thông tấn báo chí.
Cùng với đó được kết nối hoạt động của các thành viên trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong khu vực và quốc tế; hỗ trợ nguồn lực để triển khai các hoạt động sáng tạo tiêu biểu; hỗ trợ, kết nối mời các nghệ sĩ, nhà sáng tạo trong nước và quốc tế đến thực hành, biểu diễn, trao đổi tại các không gian sáng tạo…
Đưa Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo của khu vực
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Bạch Liên Hương khẳng định, Hà Nội – thành phố ngàn năm văn hiến đang trên hành trình khẳng định và củng cố vị thế là thành phố sáng tạo trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO lĩnh vực thiết kế. Đây không chỉ là niềm vinh dự mà còn là trách nhiệm to lớn, đòi hỏi sự chung tay, đồng lòng của toàn thể cộng đồng, trong đó các nhà sáng tạo, các không gian sáng tạo giữ vai trò then chốt.

Các đại biểu tham quan không gian tại Trung tâm điều phối các hoạt động sáng tạo Hà Nội.
Sau năm 5 ra nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, Hà Nội đã nỗ lực thực hiện những cam kết, là thành phố tiên phong trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, phát huy các giá trị di sản của Thủ đô, góp phần xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Theo Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội, trong những năm qua, cộng đồng sáng tạo và không gian sáng tạo tại Hà Nội đã không ngừng nỗ lực đổi mới, sáng tạo, trở thành những điểm sáng về thiết kế, văn hóa, nghệ thuật, thủ công mỹ nghệ và khởi nghiệp sáng tạo. Không chỉ là nơi ươm mầm những ý tưởng mới mẻ, các không gian sáng tạo còn đóng vai trò cầu nối giữa truyền thống và hiện đại, giữa cộng đồng địa phương và quốc tế.
Chính từ những hoạt động bền bỉ, những dự án ý nghĩa của cộng đồng sáng tạo, hình thành các không gian sáng tạo, diện mạo văn hóa của Hà Nội ngày càng trở nên đa dạng hơn. Các không gian sáng tạo thực sự là những "hạt nhân đổi mới", góp phần mạnh mẽ trong việc xây dựng bản sắc văn hóa sáng tạo đặc trưng của Thủ đô, phát triển kinh tế sáng tạo và thúc đẩy hình ảnh một Hà Nội trẻ trung, năng động, hiện đại mà vẫn đậm đà truyền thống.

Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Bạch Liên Hương phát biểu tại buổi gặp mặt.
Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết thêm, TP Hà Nội đã xây dựng chương trình, kế hoạch, triển khai giải pháp thúc đẩy các hoạt động sáng tạo như: triển khai thi hành các chỉnh sách mới theo Luật Thủ đô, xây dựng Nghị quyết HĐND TP về việc thành lập trung tâm công nghiệp văn hóa, khu thương mại và dịch vụ văn hóa, góp phần thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, hình các không gian sáng tạo, ươm mầm sáng tạo…
Cùng với đó, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng sáng tạo, đề xuất chuyển đổi công năng di sản công nghiệp, các thiết chế văn hoá phù hợp… hình thành các không gian văn hoá sáng tạo. Đồng thời tăng cường kết nối mạng lưới các không gian sáng tạo trong và ngoài nước, thúc đẩy các hoạt động hợp tác, trao đổi, học tập kinh nghiệm quốc tế. Ngoài ra, tổ chức các giải thưởng sáng tạo, sự kiện, lễ hội văn hóa sáng tạo quy mô đa dạng để tạo sân chơi, cơ hội quảng bá, giao lưu và kết nối thị trường cho các chủ thể sáng tạo…
“Sở VH&TT mong muốn các nhà sáng tạo, không gian sáng tạo sẽ tiếp tục bám sát định hướng phát triển văn hóa của Thủ đô; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để quảng bá, đưa hoạt động sáng tạo đến gần với công chúng hơn nữa, đặc biệt với thế hệ trẻ. Đồng thời, tiếp tục hợp tác, đồng hành, sáng tạo để cùng xây dựng một hệ sinh thái sáng tạo Thủ đô năng động, bền vững, đậm đà bản sắc dân tộc. Phấn đấu hoàn thành mục tiêu Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo của khu vực, hướng tới đưa ngành công nghiệp văn hoá trở thành kinh tế mũi nhọn là động lực phát triển Thủ đô” – bà Bạch Liên Hương đề nghị.
Trích dẫn
Năm 2019, Hà Nội chính thức gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế. Đây là một công cụ thúc đẩy và một cam kết quan trọng giúp hiện thực hóa mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của TP Hà Nội. Hà Nội là nơi tập trung nguồn lực sáng tạo tiên phong và là nơi có số lượng không gian văn hóa nhiều nhất cả nước.

Ưu tiên bố trí quỹ đất, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng công nghiệp văn hóa
Kinhtedothi – Theo dự thảo Nghị quyết quy định về tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa (thực hiện khoản 7, Điều 21 Luật Thủ đô) đang được TP Hà Nội lấy ý kiến Nhân dân, TP ưu tiên lập quy hoạch và bố trí quỹ đất; ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng công nghiệp văn hóa.

Huy động các nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô
Kinhtedothi - Ngày 18/4, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội thảo giải pháp tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa và khu phát triển thương mại và văn hóa. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn chủ trì hội thảo.

Phát triển trung tâm công nghiệp văn hóa: thu hút nguồn lực đầu tư tư nhân
Kinhtedothi – Một trong những nguyên tắc thành lập, tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa được Hà Nội xác định là kết hợp nguồn lực Nhà nước và tư nhân để đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ và sản phẩm văn hóa; kết hợp hài hòa lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.