Tham dự buổi lễ có Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Quí Tiên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà, cùng lãnh đạo sở, ngành, quận, huyện và đông đảo bà con Nhân dân.
Lễ hội truyền thống chùa Tây Phương năm 2024 được tổ chức trong 10 ngày (từ ngày 9-18/4/2024, tức từ mùng 1-10 tháng Ba năm Giáp Thìn), tại Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất; gồm phần lễ và phần hội.
Phần lễ với nghi thức dâng lễ, cúng Phật diễn ra tối 12/4/2024 (mùng 4 tháng Ba năm Giáp Thìn); sáng 13/4/2024 (mùng 5 tháng Ba năm Giáp Thìn) sẽ tổ chức rước kiệu, dâng lễ vật của lãnh đạo UBND xã Thạch Xá và diễu hành của phường Rối nước các xã: Thạch Xá, Bình Phú, Chàng Sơn…; dâng lễ vật của lãnh đạo UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện…
Phần hội sẽ tổ chức các trò chơi dân gian: đi cà kheo, ném còn, cây đu, biểu diễn múa rối nước của phường Rối xã Bình Phú, Thạch Xá; biểu diễn văn nghệ, diễn xướng cồng chiêng, giao lưu vật dân tộc…
Lễ hội truyền thống và kỷ niệm 10 năm đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặt biệt chùa Tây Phương được tổ chức nhằm giới thiệu những giá trị tiêu biểu về kiến trúc, nghệ thuật của Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương, góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương; từng bước nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho Nhân dân; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch trên địa bàn huyện.
Phát biểu khai mạc Lễ hội chùa Tây Phương, ông Nguyễn Mạnh Hồng - Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất cho biết, Thạch Thất là vùng đất cổ, là vùng quê có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, với những bản sắc của văn hóa xứ Đoài, hòa chung với nền văn hóa Thăng Long Hà Nội - Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Với bề dày lịch sử trên 600 năm hình thành và phát triển, huyện Thạch Thất hiện có 209 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, di tích chùa Tây Phương là ngôi chùa duy nhất ở Việt Nam còn bảo tồn, lưu giữ được hệ thống tượng Phật là những kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam.
Ông Nguyễn Mạnh Hồng cho biết thêm, Lễ hội chùa Tây Phương là một nét đẹp văn hóa truyền thống, một sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần của người Thạch Thất và du khách, phật tử thập phương.
Việc tổ chức lễ khai hội chùa Tây Phương với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng là dịp để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về mảnh đất, con người và những giá trị di sản văn hóa đặc sắc của Thạch Thất.
Với những giá trị về kiến trúc, lịch sử, tôn giáo, năm 1962, chùa Tây Phương đã được Bộ VHTT&DL công nhận là Di tích lịch sử - Văn hóa quốc gia, đến năm 2014 được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Năm 2015, Bộ tượng Phật chùa Tây Phương thời Tây Sơn, niên đại cuối thế kỷ 18 đã được Thủ tướng Chính Phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Năm 2022, Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Tây Phương được UBND TP Hà Nội công nhận là điểm đến du lịch của Thành phố. Đây là niềm tự hào và cũng là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thạch Thất trong việc đưa huyện Thạch Thất thành một điểm đến an toàn, hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Để di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương đạt được vị thế xứng tầm một trung tâm văn hóa tâm linh, lễ hội truyền thống tiêu biểu của thành phố Hà Nội, huyện Thạch Thất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội, sự hướng dẫn của Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch; của các sở, ngành cấp trên, nhằm đưa Lễ hội chùa Tây Phương vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, trở thành một giá trị văn hóa tiêu biểu Thủ đô và huyện Thạch Thất.
Để bảo tồn, gìn giữ và phát huy tốt các giá trị di sản của Lễ hội Chùa Tây Phương, ông Nguyễn Mạnh Hồng đề nghị các cơ quan, đơn vị theo chức năng nhiệm vụ tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền về ý nghĩa của di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương; tích cực tuyên truyền, quảng bá xúc tiến hoạt động du lịch với nhiều giải pháp cụ thể, hiệu quả.
Tiếp tục triển khai các dự án đầu tư tu bổ tôn tạo, quy hoạch vùng phụ cận của di tích chùa Tây Phương nhằm từng bước đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và du khách.
Đặc biệt, trong những ngày diễn ra lễ hội, ban tổ chức Lễ hội huyện và UBND các xã, thị trấn cần làm tốt công tác quản lý, bảo vệ di tích, di vật, chống xâm hại cảnh quan di tích, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn cho du khách.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, thực hiện bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng cho nhân dân địa phương. Vận động, hướng dẫn để người dân, du khách tham gia các hoạt động dịch vụ tại lễ hội cần nhận thức rõ, thực hành lối sống văn minh, xây dựng lễ hội Chùa Tây Phương trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh đặc sắc, là một địa chỉ luôn được Nhân dân, du khách mong muốn tìm đến.
Sau lễ khai hội, lãnh đạo UBND TP Hà Nội, UBND huyện Thạch Thất, UBND các xã trong huyện dâng hương, cầu cho quốc thái dân an tại chùa Tây Phương.