Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Khai thác "mỏ vàng" du lịch ngoại thành thời bình thường mới

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Du lịch Hà Nội đang mở cửa đón khách trở lại. Trong bối cảnh đó, việc đánh thức tiềm năng du lịch tại các huyện ngoại thành được coi là một trong những giải pháp hỗ trợ du lịch Hà Nội hồi phục. Tuy nhiên “mỏ vàng” này còn bỏ ngỏ và chưa được khai thác đúng mức.

Nhiều tiềm năng

Hà Nội có 18 huyện, thị xã ở khu vực ngoại thành, mỗi địa phương đều có những tiềm năng, lợi thế riêng cho khai thác du lịch.

Chia sẻ về nguồn lực phát triển du lịch ngoại thành, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Gia Lâm Phùng Thị Hoài Hương cho biết, Gia Lâm có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử với 320 di tích lịch sử văn hóa, trong đó đền Phù Đổng được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt. Cùng các di tích, huyện Gia Lâm còn bảo tồn nhiều lễ hội truyền thống như lễ hội Gióng, lễ hội Chử Đổng Tử…

Khách du lịch tham quan làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm).
Khách du lịch tham quan làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm).

Thực tế, các huyện, thị xã khác của Hà Nội cũng có thế mạnh riêng để tạo nên sản phẩm du lịch hấp dẫn. Về giá trị văn hóa, lịch sử, Hà Nội có những điểm đến tiêu biểu như thành cổ Sơn Tây, đền Và, làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây); đền thờ Nguyễn Trãi (huyện Thường Tín); làng cổ Cự Đà, Ước Lễ (huyện Thanh Oai)...

Ngoài ra, các huyện ngoại thành còn có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng như làng gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm), mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ), thêu Quất Động (huyện Thường Tín), tò he Xuân La, khảm trai Chuôn Ngọ (huyện Phú Xuyên)... Một số huyện ngoại thành đã đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch như tour làng nghề Bát Tràng (huyện Gia Lâm), du lịch sinh thái Hồng Vân (huyện Thường Tín).

 

Du lịch ngoại thành là trọng điểm trong kế hoạch phát triển du lịch Thủ đô, để làm được điều này đòi hỏi các địa phương cần hoàn chỉnh kế hoạch xây dựng sản phẩm du lịch mới, tạo sự liên kết chặt chẽ để biến tiềm năng thành “đòn bẩy” thu hút khách du lịch. Thời gian tới Sở Du lịch tiếp tục theo sát việc thực hiện quy hoạch tại các khu du lịch trọng điểm ở những huyện ngoại thành như Ba Vì, Gia Lâm…

Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu

Đánh giá tiềm năng du lịch khu vực ngoại thành, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng nêu rõ, với tiềm năng sẵn có, du lịch Hà Nội có thể tạo ra nhiều sản phẩm đặc trưng, đưa đến sự khác biệt so với các địa phương khác.

Đồng tình với đánh giá này, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Hà Nội Bùi Duy Quang chia sẻ, hiện người dân khu vực nội thành có xu hướng di chuyển ra ngoại thành để nghỉ dưỡng, trải nghiệm, nên việc phát triển du lịch gắn với nông thôn sẽ là một trong những giải pháp vực dậy ngành du lịch sau khi dịch Covid-19 được khống chế.

Biến tiềm năng thành sản phẩm du lịch

Mặc dù được xem là "mỏ vàng" của du lịch Thủ đô nhưng hiện các huyện ngoại thành vẫn chưa khai thác hết tiềm năng vốn có.

Đơn cử, tại huyện Mỹ Đức, khách du lịch chỉ nhắc đến lễ hội chùa Hương  trong khi trên địa bàn huyện còn nhiều di tích, danh thắng khác như hồ Quan Sơn được mệnh danh là “vịnh Hạ Long trên cạn” chưa được khai thác. Tình trạng du lịch “một mùa” như Mỹ Đức khá phổ biến ở các địa phương như: Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất, Sơn Tây, Ba Vì, Gia Lâm…

Khách du lịch khi đến thị xã Sơn Tây, chủ yếu là tham quan làng cổ Đường Lâm rồi về, trong khi ngay ở trung tâm thị xã còn có tòa thành đá ong độc nhất vô nhị Việt Nam. Tương tự trên địa bàn huyện Gia Lâm đang lưu giữ nhiều làng nghề truyền thống, như làng gốm Bát Tràng, làng Kiêu Kỵ (nơi duy nhất trong cả nước làm nghề vàng, bạc quỳ), nhưng hiện ngành du lịch mới chỉ xây dựng tour đưa khách đến làng gốm Bát Tràng.

Lý giải nguyên nhân khiến các huyện ngoại thành chưa khai thác “mỏ vàng” du lịch, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng cho rằng, tiềm năng du lịch của Ba Vì và các huyện khác mặc dù rất lớn nhưng việc phát triển du lịch gặp nhiều khó khăn, do chưa có sản phẩm đặc trưng bởi thiếu liên kết với doanh nghiệp lữ hành để xây dựng, sự kết nối các điểm du lịch giữa nội thành và ngoại thành.

Khách du lịch tham quan đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm).
Khách du lịch tham quan đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm).

Để phát huy tiềm năng dồi dào của vùng ven đô Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Hà Nội Trịnh Thị Mỹ Nghệ cho rằng, điều cần thiết là các địa phương cần quy hoạch, phân tích rõ tiềm năng, đẩy mạnh phát triển những sản phẩm du lịch mới mang tính đặc trưng của địa phương.

Dưới góc độ doanh nghiệp du lịch, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng nêu rõ, các địa phương cần tăng cường sự hợp tác, liên kết với doanh nghiệp du lịch trong việc tạo tour kết nối các điểm đến, từ đó xây dựng sản phẩm phù hợp với từng phân khúc du khách và sự phát triển của thị trường.

Đồng tình với phân tích này, Giám đốc điều hành Công ty du lịch AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, khu vực ngoại thành có nhiều tiềm năng, thế mạnh về văn hóa, lịch sử, để thu hút du khách cần tạo ra sản phẩm du lịch khác biệt có tính trải nghiệm, tương tác cao. Trước mắt cần tập trung xây dựng 2 sản phẩm chính là du lịch làng nghề và du lịch nông nghiệp. Nhưng để làm được điều này cần liên kết chặt chẽ với khu vực nội thành để hình thành tour, tuyến hợp lý, có tính liên thông cao, có thể khai thác ngay sau khi dịch Covid-19 được khống chế.

Nhiều chuyên gia du lịch cho rằng bên cạnh việc xây dựng tour, cần phải đầu tư vào hạ tầng, quảng bá điểm đến, thúc đẩy du lịch cộng đồng, tạo sự liên kết giữa di sản - làng nghề - các điểm tham quan, nghỉ dưỡng.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Flamingo Redtours Nguyễn Thị Vân Anh chia sẻ, nhiều doanh nghiệp du lịch Hà Nội không biết tới những điểm đến, tour tuyến độc đáo khu vực ngoại thành, nguyên nhân là do thông tin hạn chế, khó tiếp cận.

“Thời gian tới các huyện ngoại thành cần có những cơ chế, chính sách hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp du lịch đầu tư xây dựng hệ thống lưu trú nghỉ dưỡng, đáp ứng nhu cầu du lịch sau đại dịch Covid-19” - bà Vân Anh kiến nghị.