Đảm bảo hai quy hoạch có sự nhất quán về nội dung
Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội Lê Ngọc Anh cho hay, hiện TP đang triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó có việc lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến 2065. Lãnh đạo TP đã yêu cầu hai quy hoạch này cần phải được nghiên cứu song hành, có sự tương trợ để đảm bảo có sự nhất quán trong nội dung.
Trong thời gian qua, Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội chủ trì, cùng với Sở Kế hoạch & Đầu tư, Sở QH - KT Hà Nội đã có sự phối hợp chặt chẽ trong các bước nghiên cứu, triển khai lập Quy hoạch Thủ đô, điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô.
“Chính nhờ sự phối hợp chặt chẽ, sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã, nên đến nay đã có được hai sản phẩm của hai quy hoạch có sự tương đồng khá chặt chẽ. Quy hoạch Thủ đô mang tính định hướng, dẫn dắt; Quy hoạch chung Thủ đô là bước cụ thể hóa các nội dung của Quy hoạch Thủ đô với mức độ chi tiết, cụ thể hơn” – ông Lê Ngọc Anh cho hay.
Về công tác xin ý kiến về nội dung Quy hoạch Thủ đô, ông Lê Ngọc Anh thông tin, Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội đã triển khai xin ý kiến Bộ Tư lệnh Thủ đô, Công an TP và đã được đơn vị tư vấn đã cập nhật vào dự thảo 1 Báo cáo Quy hoạch Thủ đô. Đã gửi xin ý kiến Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, đang chờ văn bản trả lời của hai bộ trước khi gửi xin ý kiến rộng rãi theo quy định. Ngoài ra, Viện cũng nhận được 22/51 ý kiến của các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã phố đối với dự thảo 1 Báo cáo Quy hoạch Thủ đô.
Khẩn trương lấy ý kiến để hoàn chỉnh quy hoạch
Đáng chú ý, góp ý vào một trong những lĩnh vực quan trọng, tạo khung phát triển cho các đô thị nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng, đó là những vấn đề về giao thông, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đỗ Việt Hải cho biết, qua rà soát cho thấy hiện chỉ tiêu về mật độ giao thông đô thị của thành phố bao gồm đường cao tốc đô thị, trục chính đô thị, đường chính đô thị, đường liên khu vực mới chỉ đạt 55 - 66% so với mục tiêu quy hoạch đến năm 2030; chỉ tiêu sử dụng đất dành cho giao thông cũng chỉ đạt 12,3 - 12,5% so với yêu cầu là 25 - 26%.
Sở GTVT Hà Nội đã có đề xuất thời gian tới trong quy hoạch cần bổ sung thêm 22 tuyến đường bộ đối ngoại, 7 tuyến đường ngoài đô thị, 5 cầu qua sông Hồng, sông Đà, sông Đuống. Đặc biệt, đề xuất các cầu đường bộ sẽ kết hợp cùng là cầu đường sắt đô thị nhằm giảm mật độ cầu trên sông và chi phí đầu tư xây dựng. Về lĩnh vực đường sắt đô thị nên bổ sung khu vực phát triển công nghiệp đường sắt tại tổ hợp ga Ngọc Hồi. Đồng thời đề xuất có giải pháp đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực này trong giai đoạn tới.
Theo ông Đỗ Việt Hải, trong điều chỉnh Quy hoạch chung lần này mới chỉ đề cập đến phân bổ dân cư mà chưa dự báo được nhu cầu đi lại, vì vậy việc định hình các tuyến đường sắt đô thị gắn với nhu cầu đi lại của người dân cũng là nội dung cần lưu ý. Cùng đó, rà soát, điều chỉnh quy hoạch sao cho quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch giao thông phải được đồng bộ, gắn kết với nhau một cách chặt chẽ. Trên cơ sở đó kiến nghị trong điều chỉnh Quy hoạch chung lần này bổ sung tiêu chí quy hoạch TOD cấp thành phố…
Đối với các quận huyện, để đảm bảo tiến độ thời gian cũng như tính kết nối mang tính tổng thể, trong tháng 11 này hai Viện cùng với các sở ngành, đơn vị tư vấn sẽ tiếp tục tổ chức các buổi làm việc theo từng cụm địa phương để cụ thể hóa toàn bộ các nội dung kiến nghị, mong muốn của quận, huyện vào định hướng hai bản quy hoạch.
Giám đốc Sở QH - KT Nguyễn Trọng Kỳ Anh đề nghị tập trung đề xuất những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo các giai đoạn quy hoạch đến năm 2030, 2045, 2050, 2065. Đặc biệt, đối với 14 huyện đang nghiên cứu Quy hoạch vùng huyện, cần có những đề xuất khớp nối, tương thích với định hướng của hai đồ án quy hoạch cấp trên đang xây dựng, nhất là với đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung.
Ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho hay, hiện nay, nhiều huyện có đề xuất về vấn đề phát triển đô thị, tuy nhiên trong định hướng điều chỉnh Quy hoạch chung tăng thêm 10% quỹ đất phát triển đô thị không phải để chia đều cho các huyện mà dành cho phát triển đô thị Thành phố phía Bắc, TP phía Tây và đô thị Đông Vành đai 4 và một phần dành phân bổ cho các địa phương. “Việc phát triển đô thị không thể tràn lan ở khu vực nông thôn, vì vậy các địa phương cần xem xét thận trọng để đưa ra đề xuất mang tính khả thi và sát với báo cáo quy hoạch” – ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh khuyến nghị.