70 năm giải phóng Thủ đô

Hà Nội - Khánh Hòa hợp tác phát triển kinh tế

Trọng Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 12/9, Đoàn công tác TP Hà Nội do Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu dẫn đầu có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa trong chương trình phối hợp công tác với các tỉnh miền Trung Nam Bộ.

Đoàn công tác của TP Hà Nội làm việc tại tỉnh Khánh Hòa
Đoàn công tác của TP Hà Nội làm việc tại tỉnh Khánh Hòa
Tại buổi làm việc, hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương mình trong thời gian qua. Đồng thời, trao đổi kinh nghiệm cũng như định hướng phát triển dựa trên thực lực và lợi thế của mỗi địa phương. Theo đó, Khánh Hòa là tỉnh duyên hải miền Nam Trung Bộ, gồm 2 thành phố trực thuộc tỉnh là Nha Trang và Cam Ranh, 1 thị xã (Ninh Hòa) và 6 huyện là Vạn Ninh, Diên Khánh, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Cam Lâm và huyện đảo Trường Sa với tổng diện tích 5217,6 km². Khánh Hòa có bờ biển dài hơn 200 km và gần 200 hòn đảo lớn nhỏ cùng nhiều vịnh biển đẹp như Vân Phong, Cam Ranh, với khí hậu ôn hòa, nhiệt độ trung bình 26⁰C, có hơn 300 ngày nắng trong năm và nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng khác.Với những lợi thế đó Khánh Hòa đã trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của Việt Nam.

Về nông nghiệp, do địa hình rừng núi của tỉnh không thuận lợi cho quá trình lắng đọng phù sa, nên Khánh Hòa không phải là nơi thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Các đồng bằng lớn ở Khánh Hòa gồm có đồng bằng Nha Trang - Diên Khánh nằm ở hai bên sông Cái với diện tích 135km²; đồng bằng Ninh Hòa do sông Dinh bồi đắp, có diện tích 100km². Ngoài ra, Khánh Hòa còn có hai vùng đồng bằng hẹp là đồng bằng Vạn Ninh và đồng bằng Cam Ranh ở ven biển, cùng với lượng diện tích canh tác nhỏ ở vùng thung lũng của hai huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Với các dải đồng bằng nhỏ hẹp, trồng trọt không phải là thế mạnh của Khánh Hòa. Lúa vẫn chiếm diện tích lớn nhất và được trồng tập trung tại đồng bằng Ninh Hòa và Diên Khánh. Cây công nghiệp ngắn ngày được trồng nhiều nhất là cây mía sau đó là đậu phộng và một số cây lương thực khác như sắn, ngô. Tuy nhiên, do có chiến lược phát triển đúng hướng trong áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp nên Khánh Hòa có rất nhiều nông đặc sản cho giá trị kinh tế cao như các giống hoa, rau, cây ăn quả, cây lâm nghiệp…

Hà Nội - Khánh Hòa hợp tác phát triển kinh tế - Ảnh 1

Bên cạnh nông sản, tài nguyên thủy hải sản ở Khánh Hòa rất dồi dào. Khánh Hòa có tổng trữ lượng hải sản ước tính 150.000 tấn/năm và khả năng khai thác 40-50.000 tấn/năm. Có 600 loài hải sản được các nhà khoa học xác định ở vùng biển Khánh Hòa, trong đó có hơn 50 loài cá có giá trị kinh tế cao

Ngoài du lịch, Khánh Hòa cũng là địa phương phát triển công nghiệp mạnh trong khu vực Miền Trung và Tây Nguyên. Các thế mạnh công nghiệp truyền thống của Khánh Hòa là công nghiệp đóng tàu, chế biến thủy hải sản, vật liệu xây dựng, may mặc... Khánh Hòa cũng có nhiều loại khoáng sản và các khu công nghiệp lớn như Khu công nghiệp Suối Dầu, khu công nghiệp Ninh Hòa, khu công nghiệp Bắc và Nam Nha Trang, cùng với những cảng biển lớn đang được đầu tư xây dựng đã giúp Khánh Hòa trở thành một trong 10 tỉnh thành có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất nước.

Chia vui về những thành tựu kinh tế - xã hội mà Khánh Hòa đạt được trong thời gian vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu mong muốn hai bên tăng cường hơn nữa sự hợp tác phát triển trong thời gian tới, đặc biệt là lĩnh vực phát triển du lịch và nông nghiệp công nghệ cao. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng thông tin thêm về tiềm năng du lịch và thị trường tiêu thụ các nông đặc sản, thủy hải sản trên địa bàn Hà Nội. Đồng thời, nhấn mạnh, Hà Nội là thị trường rộng lớn và đang có chủ trương liên kết với các tỉnh, thành trong cả nước đưa nông sản, thực phẩm “sạch” về phục vụ Nhân dân Thủ đô. Đây cũng chính là thị trường tiềm năng để kêu gọi, thu hút đầu tư của các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.