Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Khó khăn bủa vây làng nghề truyền thống

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sau 2 năm dịch Covid-19 bùng phát, các làng nghề gặp khó khăn nhiều bề. Đặc biệt, hiện nay, khi Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội, các làng nghề bị đứt gãy chuỗi sản xuất, thiếu nguyên liệu, lao động ngừng việc… khiến sản xuất càng khó khăn hơn.

Sản xuất đình trệ
Hà Nội là nơi có nhiều làng nghề truyền thống nhất cả nước. Trong số khoảng 5.400 làng nghề ở Việt Nam, Hà Nội chiếm tới 1/3 (với khoảng 1.350 làng nghề). Do tác động của đại dịch Covid-19, thời gian qua, các hộ kinh doanh làng nghề gặp nhiều khó khăn chồng chất. Mặc dù các đã nỗ lực xoay chuyển, thích nghi trước những tác động của dịch bệnh, nhưng đến nay khá nhiều hộ vẫn phải thu hẹp hoặc tạm ngừng sản xuất. 
Làng nghề gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm) là một trong những làng nghề hoạt động hiệu quả nhất của Hà Nội, với khoảng 700 cơ sở sản xuất. Tuy nhiên 15 ngày nay, mọi hoạt động sản xuất bị “đóng băng” do trên địa bàn xã có ca nhiễm Covid-19, nhiều thôn trong xã phải phong tỏa để phòng dịch. 
 Làng nghề gốm sứ Bát Tràng
Cơ sở sản xuất của anh Nguyễn Mạnh Hùng, ở thôn 2 xã Bát Tràng vừa phải hủy 3 hợp đồng với giá trị gần 300 triệu đồng đã ký trước đó. Anh Hùng cho biết, thực hiện quy định giãn cách xã hội nên gần 1 tháng nay, một số lao động của cơ sở ở Hưng Yên không thể đến làm việc. Bên cạnh đó, việc vận chuyển hàng hóa hiện nay cũng rất khó khăn do các xã đều có chốt kiểm soát. “Điều tôi lo lắng nhất là việc thiếu hụt lao động sau khi dịch đi qua. Do nghỉ dịch lâu, một số công nhân đã tìm việc làm mới. Trong khi đó, lao động phục vụ làng nghề cần tay nghề cao. Đối với thợ phổ thông, trung bình cũng cần khoảng 6 tháng để quen việc, còn với lao động làm kỹ thuật thì cần tới 1-2 năm mới lành nghề” – anh Hùng chia sẻ.
Tại làng nghề sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín) có hơn 100 cơ sở sản xuất nhưng hiện tại chỉ có 6 cơ sở hoạt động. Theo Chủ tịch hội làng nghề sơn mài Hạ Thái Nguyễn Thị Hồi, thực hiện quy định sản xuất “3 tại chỗ” khi giãn cách xã hội, địa phương có rất ít cơ sở đáp ứng được yêu cầu, bởi đa phần các hộ sản xuất nhỏ lẻ, thủ công.  
Khó khăn tương tự cũng xảy ra ở làng nghề mây tre đan Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ). Gần 1 tháng nay, cả làng nghề ảm đạm do đình trệ sản xuất. Theo Chủ tịch hội làng nghề mây tre đan Phú Nghĩa Nguyễn Văn Trung, nguyên liệu mây, tre của làng nghề chủ yếu nhập từ khu vực Thanh Hóa, Nghệ An và các tỉnh miền núi phía Bắc… Tuy nhiên khi dịch bùng phát và Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động giao thương giữa các tỉnh khó khăn hơn khiến việc thu mua nguyên liệu rất khó khăn. Một số cơ sở có sẵn nguyên liệu thì làm túc tắc để giữ chân lao động, tuy nhiên hàng làm ra cũng không vận chuyển đi được do các địa phương kiểm soát chặt tại các chốt vào địa bàn.
Đề xuất nới lỏng điều kiện khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất
Chủ tịch Hội làng nghề mộc Đại Nghiệp (huyện Phú Xuyên) Hoàng Văn Luận chia sẻ, từ khi dịch Covid-19 bùng phát tới nay, doanh số bán hàng của làng nghề giảm tới 80%. Để phòng, chống dịch Covid-19, các hộ sản xuất của làng nghề đã chấp hành nghiêm các quy định. Tuy nhiên, việc thực hiện các quy định sản xuất “3 tại chỗ” thực sự đang là thách thức với các cơ sở sản xuất trong làng nghề, mọi hoạt động bị bó hẹp. Bởi thực tế, hầu hết các cơ sở sản xuất ở làng nghề đều làm thủ công, nhỏ lẻ.
Chủ tịch Hội làng nghề mộc Đại Nghiệp kiến nghị TP có chính sách ưu tiên nới lỏng các quy định sản xuất trong đợt giãn cách xã hội, để làng nghề có thể duy trì hoạt động bình thường; tạo điều kiện cấp luồng xanh cho các xe chở hàng hóa, nguyên vật liệu; ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho tất cả công nhân đang làm việc tại làng nghề...
Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần cho rằng, các địa phương trên địa bàn TP cần triển khai nhanh gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, để hỗ trợ kịp thời cho DN và người lao động làng nghề trong lúc khó khăn này. Đặc biệt, ngân hàng tiếp tục xem xét nới lỏng thêm các điều kiện khoanh nợ, giãn nợ, điều chỉnh giảm lãi suất nợ cũ và xem xét cho vay với lãi suất ưu đãi thấp hơn. Trong tình hình hiện nay, các cơ sở sản xuất cần rà soát môi trường bên trong và bên ngoài để hiểu rõ hơn năng lực của mình, xác định cơ hội và nguy cơ, từ đó có những chiến lược phù hợp với cơ hội hoặc thách thức trong bối cảnh mới là kinh doanh thời kỳ dịch bệnh. Chuẩn bị mô hình kinh doanh mới bởi các quy trình, hệ thống nguyên tắc trước đây có thể chỉ phù hợp trong bối cảnh cũ.
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, thời gian qua, Hà Nội đã ban hành hàng loạt chính sách hỗ trợ cho các làng nghề duy trì và phát triển như: Chính sách phát triển các ngành nghề nông thôn, hỗ trợ kinh phí công nhận danh hiệu làng nghề. Ngoài ra, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tổ chức 60 lớp tập huấn nâng cao năng lực các làng nghề cho 2.400 lao động, chủ cơ sở sản xuất tại các làng nghề; 16 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho các cơ sở công nghiệp nông thôn về quản trị DN, thiết kế mẫu mã, marketting, kinh nghiệm xuất khẩu; tập huấn chính sách khuyến công cho các cán bộ làm công tác khuyến công cấp huyện, xã và cơ sở công nghiệp nông thôn. Trong năm 2020, Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã (HTX) cho 29 dự án tại các làng nghề Hà Nội với số vốn trên 9,7 tỷ đồng. Cùng với đó, Hà Nội đang đẩy mạnh triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm, sẽ giúp các làng nghề của TP Hà Nội gia tăng giá trị, thu nhập cũng như nâng tầm thương hiệu sản phẩm làng nghề.