KTĐT - Hà Nội sắp tiếp nước, cải tạo, khôi phục sông Tích và qui hoạch đôi bờ. Phạm vi nghiên cứu dự án này khá rộng, chia làm 3 đoạn, bắt đầu từ Lương Phú (Ba Vì)...
Sông Tích (còn gọi là sông Tích Giang) - phụ lưu cấp I của sông Đáy, thuộc hệ thống sông Hồng, bắt nguồn từ dãy núi Ba Vì với hồ Suối Hai, Đồng Mô ở đầu nguồn, chảy qua nhiều huyện và thị xã khu vực Hà Nội mở rộng. Nhiều đoạn sông Tích chảy qua vùng bán sơn địa, quang cảnh nên thơ, rất đẹp nhưng có nhiều đoạn sông này cạn kiệt, "thót lại" chỉ như con lạch nhỏ.
Sau khi xem xét báo cáo của Công ty Tư vấn xây dựng thủy lợi Việt Nam (CTCP) về dự án tiếp nước, cải tạo, khôi phục sông Tích, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trịnh Duy Hùng nhận định: "Trên phạm vi nghiên cứu dự án có nhiều công trình văn hóa, do đó việc phê duyệt và tổ chức thực hiện phải nghiên cứu một cách đầy đủ, thận trọng, cân nhắc mọi khía cạnh, nhiều lĩnh vực".
Lãnh đạo Hà Nội và các sở, ban, ngành nhất trí chia dự án này làm 3 đoạn: đoạn 1 từ Lương Phú thuộc xã Thuần Mỹ (Ba Vì) đến cầu Trắng thuộc xã Đường Lâm (Sơn Tây); đoạn 2 từ cầu Trắng đến cầu Ó (cũng thuộc thị xã Sơn Tây) dài khoảng 10,5km và đoạn 3 từ Cầu Ó đến Ba Thá.
Với đoạn 1, Phó Chủ tịch Trịnh Duy Hùng khẳng định mục tiêu chính là khôi phục tạo nguồn và cải tạo dòng chảy, đảm bảo lấy nước sông Đà phục vụ các nhu cầu về sản xuất, dân sinh, đồng thời bổ sung cho hồ Suối Hai, Đồng Mô. Khi nghiên cứu hướng tuyến đoạn này phải thận trọng với khu vực Đường Lâm vì có nhiều công trình văn hóa tâm linh.
"Chủ trương vẫn là đường bờ đê kết hợp giao thông nhưng kết hợp bờ nào, đoạn nào, qui mô kết hợp ra làm sao cần tính toán cụ thể (hướng giai đoạn đầu là 7-9m mặt), còn định hướng qui hoạch vẫn là qui hoạch tầm xa, hiện đại" - ông Hùng nhấn mạnh.
Đoạn 2 của dự án khôi phục sông này được Hà Nội kỳ vọng gắn việc cải tạo với chỉnh trang đô thị, đặc biệt tại thị xã Sơn Tây. Nguyên tắc đặt ra là gắn chỉnh trang trong điều kiện cho phép và vẫn phải tôn tạo, giữ gìn các di tích văn hóa.
"Về hướng tuyến, chỉ nắn chỉnh những đoạn thực sự cần thiết (là những đoạn cản trở lớn dòng chảy). Tính toán lại mặt cắt lòng sông phải khách quan, khoa học, khoảng trên dưới 40m và không gây bồi lắng lòng sông. Về vấn đề chỉnh trang 2 bờ để phát triển giao thông đô thị, yêu cầu xem cụ thể qui mô đường có khả thi không (hướng là làm 1 bờ còn bờ có dân sinh chỉ chỉnh trang)" - Phó Chủ tịch Hà Nội nhận định.
Đoạn cuối cùng được định hướng tôn trọng hiện trạng sông và đê, chỉ nắn chỉnh tuyến và nạo vét cục bộ một số đoạn khó thoát lũ. Đồng thời, bờ tả sông Tích tại đây được tính toán nâng cấp để đảm bảo thoát lũ rừng ngang.
UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị hoàn thành thủ tục dự án này để trình duyệt trước ngày 15/11, đồng thời cho biết sẽ phải thỏa thuận nhiều vấn đề với Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn để có thể chính thức triển khai.
Vừa qua, Hà Nội đã duyệt chủ trương đầu tư gần 40 tỉ đồng nâng cấp 8.566m bờ hữu sông Tích thuộc huyện Quốc Oai nhằm đảm bảo an toàn đê điều, phục vụ giao thông.