Hà Nội khống chế thành công dịch tả lợn châu Phi: Hiệu quả từ các giải pháp đồng bộ

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhờ huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc quyết liệt, kịp thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi (DTPCP), đến nay Hà Nội đã khống chế thành công DTLCP. Hiện, TP đang thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng, chống các dịch bệnh trên động vật, quyết không để dịch chồng dịch.

Phun thuốc phòng, chống dịch bệnh cho đàn lợn tại huyện Đông Anh. Ảnh: Trần Dũng
100% xã, phường hết dịch tả lợn châu Phi
Sau hơn một năm xuất hiện, hậu quả DTLCP để lại cho ngành chăn nuôi Hà Nội là không hề nhỏ. Lũy kế từ ngày đầu tiên xuất hiện (24/2/2019) đến nay, DTLCP đã xảy ra tại 33.006 hộ chăn nuôi, của 449 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP. Tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy là 543.878 con, với tổng trọng lượng là 37.160 tấn. Vào các tháng cao điểm của dịch (tháng 5 - 6/2019), có ngày Hà Nội tiêu hủy tới 8.000 – 9.000 con lợn. Tổng đàn lợn trên 1,8 triệu con nay giảm xuống còn gần 1,3 triệu con. Tuy nhiên, từ tháng 7/2019, DTLCP có chiều hướng giảm dần. Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, toàn TP mới ghi nhận 13 hộ có lợn mắc DTLCP.
Sở NN&PTNT Hà Nội thành lập 2 đoàn kiểm tra công tác phát triển chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn TP. Theo đó, từ ngày 1/3 - 30/5/2020, 2 đoàn kiểm tra sẽ kiểm tra thực tế việc thực hiện công tác phòng, chống dịch tại xã, thị trấn, các cơ sở chăn nuôi, thu gom, giết mổ động vật, kinh doanh, bảo quản, sơ chế sản phẩm động vật; kiểm tra hoạt động của các trạm, chốt kiểm dịch động vật liên ngành, các chợ có kinh doanh buôn bán động vật, sản phẩm động vật.
Sau hơn một năm tích cực phòng chống DTLCP, đến thời điểm này, 100% số xã, phường trên địa bàn Hà Nội có DTLCP qua 30 ngày không phát sinh trở lại. Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định, có được kết quả này là nhờ TP đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc quyết liệt, kịp thời, thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống, ngăn chặn dịch. Theo đó, để chủ động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp với khả năng DTLCP, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có Công điện khẩn chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ để chủ động phòng, chống dịch bệnh. Ngày sau đó, Sở NN&PTNT TP Hà Nội đã phối hợp với UBND huyện Thanh Oai tổ chức diễn tập thực hành “Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với DTLCP”.
Bên cạnh đó, trong quá trình chống dịch, Hà Nội đã thực hiện tốt phương châm “5 không” (không giấu dịch; không mua bán lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý), “4 tại chỗ” (chỉ đạo tại chỗ, huy động nhân lực, vật lực, phương tiện tại chỗ). Nhờ vậy, các ổ dịch được dập tắt tại chỗ, không cho lây lan sang diện rộng.
Một giải pháp nữa là TP đã chỉ đạo thực hiện tốt việc tiêm phòng vaccine đại trà các dịch bệnh cho vật nuôi. Thực hiện tổng tẩy uế môi trường ở các địa phương thường xuyên. Toàn TP đã sử dụng hết 276.557 (lít, kg) hóa chất và 8.989 tấn vôi bột trong phòng DTLCP. Đặc biệt, thời gian hỗ trợ nhanh, kịp thời đã khuyến khích người dân khai báo khi có dịch, tránh tình trạng giấu dịch. Đến nay Hà Nội đã thực hiện chi trả hỗ trợ cho các hộ có lợn tiêu hủy đạt tỷ lệ trên 90%.
Không để dịch chồng dịch
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, ngay sau khi DTLCP được khống chế, người chăn nuôi Hà Nội đã tăng tốc tái đàn để ổn định thị trường. Trong năm 2019, tái đàn trên 400.000 con và từ đầu 2020 đến nay, Hà Nội tái đàn hơn 230.000 con lợn, tập trung ở các trang trại quy mô hộ lớn, giảm chăn nuôi nhỏ lẻ. Các địa phương thực hiện tái đàn tuân thủ nghiêm ngặt 3 nguyên tắc: Bảo đảm an toàn sinh học, cân đối cung cầu và an sinh xã hội.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội khuyến cáo, thời điểm này DTLCP chưa có vaccine phòng bệnh, trong khi virus DTLCP có sức đề kháng cao, có thể tồn tại lâu ở ngoài môi trường. Do đó, nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh rất cao. Người chăn nuôi phải xác định tâm lý cảnh giác và sống chung với dịch bệnh.
Đặc biệt, hiện nay trên địa bàn TP đang xuất hiện 2 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 tại Chương Mỹ và Mê Linh. Do đó, để tránh tình trạng “dịch chồng dịch”, các địa phương cần giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại cơ sở. Tăng cường kiểm tra việc tái đàn bảo đảm đúng hướng dẫn của TP. Kịp thời phát hiện các hộ nhập đàn không khai báo, nếu xảy ra dịch đề nghị chính quyền địa phương xử lý vi phạm hành chính và không hỗ trợ. Bên cạnh đó, triển khai các đợt tiêm phòng đại trà, tổng tẩy uế môi trường để chủ động phòng chống các loại dịch bệnh khác trên vật nuôi.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần