Hà Nội không chủ trương xây dựng nhiều tượng đài

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vừa qua một số cơ quan báo chí thông tin Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia tư vấn với Sở VHTT&DL về ý tưởng quy hoạch hệ thống tượng đài Hà Nội.

Theo đó, trong vòng 15 năm tới Hà Nội phải xây mới thêm 35 tượng đài - trung bình mỗi tượng đài đầu tư khoảng 20 tỷ đồng (trong 5 năm tới xây mới 10 tượng đài)…

Ngày 23/12, tại buổi giao ban báo chí thường kỳ do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy khẳng định: Đây không phải chủ trương cũng như chỉ đạo của TP. Hà Nội đang tiến hành quy hoạch hệ thống tượng đài trên địa bàn, nhưng không chủ trương xây dựng nhiều tượng đài; không chạy theo số lượng, bình quân tại các cửa ô và các quận, huyện đều có tượng đài; không chủ trương xây dựng tượng đài quy mô lớn, tốn kém...

Về ý kiến của báo chí nêu việc xây dựng tượng đài như trên, TP Hà Nội khẳng định: Đây chỉ là ý kiến tư vấn của Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia tại cuộc Hội thảo lấy ý kiến lần đầu của Sở VHTT&DL Hà Nội. Chất lượng dự thảo quy hoạch này hiện không đáp ứng được yêu cầu. Do vậy, trong thời gian tới, TP sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp thu ý kiến xây dựng để khắc phục những điểm không phù hợp, tiếp tục hoàn thiện quy hoạch hệ thống tượng đài Hà Nội.

Cũng tại buổi giao ban báo chí, đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội đã thông tin về công tác thay thế cây xanh không đúng chủng loại cây xanh đô thị, không bảo đảm tiêu chuẩn trên địa bàn TP theo phương thức xã hội hóa.

Theo đó, thực hiện thay thế cây xanh với số lượng khoảng 1.000 cây tại tuyến đường Vành đai 1; tuyến phố Kim Mã - Nguyễn Thái Học; 17 tuyến phố thuộc 4 quận; tuyến phố Huế - Hàng Bài và Nguyễn Chí Thanh; một số khu vực công cộng. Những loại cây bị thay thế là các cây cổ thụ tuổi đời quá cao, đã xuất hiện sâu mục ở gốc, dễ bị gẫy đổ trong mùa mưa bão; cây đang dần già cỗi, cong nghiêng, không đảm bảo an toàn. Ngoài ra, một số cây do người dân tự trồng, không thuộc chủng loại đô thị như dâu da, vông, bông gòn (cành giòn, dễ gẫy đổ, có quả làm mất vệ sinh) cũng sẽ bị loại bỏ. Các loại cây được thay thế chủ yếu là sấu, giáng hương, thàn mát… là những cây có chiều cao, tán cây không ảnh hưởng đến tầm nhìn giao thông, dáng cân đối, không sâu bệnh.

Cũng tại buổi giao ban báo chí, đại diện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, từ 1/11 - 15/12, đơn vị đã kiểm tra xử lý 1.530 vụ (vi phạm về hàng lậu, hàng cấm 246 vụ; vi phạm về sở hữu trí tuệ 144 vụ; vi phạm về nhãn hàng hóa 324 vụ; vi phạm về giá 270 vụ;...), với tổng số tiền thu nộp hơn 14,2 tỷ đồng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần