Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội không có dự án bất động sản nào được cấp phép trong quý III

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trong cả quý III/2022, trên địa bàn Thủ đô Hà Nội không có bất cứ dự án bất động sản (BĐS) nào được cấp phép mới, trong khi giá bán tăng liên tục ở quý thứ 15 liên tiếp.

Sở Xây dựng Hà Nội vừa có văn bản báo cáo Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội về tình hình thị trường BĐS, nhà ở trên địa bàn TP trong quý III/2022.

Theo đó, nguồn cung sản phẩm vẫn ở mức thấp, chủ yếu từ các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư từ trước đó. Chính sách tín dụng siết chặt cộng thêm những khó khăn về thủ tục, khiến nhiều dự án không thể triển khai. Lượng tiêu thụ sản phẩm cũng ở mức thấp. Thị trường chưa có dấu hiệu khởi sắc...

Thị trường nhà ở trên địa bàn Hà Nội tiếp tục khan hiếm nguồn cung.
Thị trường nhà ở trên địa bàn Hà Nội tiếp tục khan hiếm nguồn cung.

Cụ thể, trong quý III nguồn cung trên thị trường có thêm trên 3.600 sản phẩm, nhưng chủ yếu là hàng tồn kho từ những quý trước được tiếp tục chào bán ra thị trường, tập trung chủ yếu tại các quận: Hoàng Mai, Long Biên, Hà Đông. Trong khi đó, nguồn cung mới được chào bán rất hiếm, đến từ một số dự án như: Khai Sơn City (Long Biên), Sunshine Garden (Hai Bà Trưng), Khu đô thị Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 (Mê Linh), 93 Láng Hạ, T&T Phạm Ngọc Thạch (Đống Đa), Hà Nội Melody (Hoàng Mai)...

Sản phẩm được chào bán trên thị trường tập trung chủ yếu tại dự án nhà ở thuộc các quận, huyện vùng ven do ưu thế về quỹ đất, nhưng căn hộ chung cư thuộc phân khúc trung và cao cấp chiếm đa số. Ngoài dự án căn hộ, thị trường Hà Nội còn xuất hiện nhiều BĐS đất nền được đưa vào kinh doanh. Tuy nhiên, nguồn cung không nhiều, chỉ xuất hiện ở một số huyện xa trung tâm như: Mê Linh, Đông Anh, Hoài Đức, Quốc Oai, Sóc Sơn, Gia Lâm và thị xã Sơn Tây...

Về mặt bằng giá trong quý III khá trầm lắng, không có biến động lớn, nhưng vẫn tăng nhẹ khoảng 5% so với đầu năm 2022, ghi nhận giá tăng ở quý thứ 15 liên tiếp. Do lượng sản phẩm chào bán ra thị trường ít, chính sách tín dụng siết chặt, giá nguyên, vật liệu tăng cao... đẩy giá thành sản phẩm BĐS cũng tăng theo. Phân khúc căn hộ chung cư trong quý lượng giao dịch chỉ đạt 10% là chủ yếu sản phẩm là căn hộ cao cấp, giá bán duy trì ở ngưỡng cao, như: dự án T&T Capella Phạm Ngọc Thạnh lên đến hơn 80 triệu đồng/m2. Căn hộ trung cấp giá trên dưới 40 triệu đồng/m2 chỉ có ở khu vực Long Biên, Mê Linh, như: Dự án Eurowindow River Park giá 30 - 32 triệu đồng/m2; Bình Minh Garden giá 34 -38 triệu đồng/m2; Le Grand Jarmin giá khoảng 38 triệu đồng/m2... cao hơn khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2021 và khoảng 2% so với quý II/2022.

Đối với sản phẩm nhà ở thấp tầng (nhà liền kề, biệt thự), lượng giao dịch rất thấp (gần như không có giao dịch) do giá bán cao. Các dự án nhà ở thấp tầng tại quận Hà Đông, Hoàng Mai có giá khoảng 200 triệu đồng/m2; tại huyện Mê Linh giá bán tại một số dự án cũng bị đẩy lên đến 100 triệu đồng/m2...

Đáng chú ý, cũng theo báo cáo này, trong quý III/2022 trên địa bàn Thủ đô không có thêm bất cứ dự án nhà ở thương mại nào được cấp phép đầu tư mới và hoàn thành xây dựng. Trong số 52 dự án đang triển khai cũng mới chỉ có 7 dự án được cấp phép bán nhà ở hình thành trong tương lai; Tương tự, quý III TP Hà Nội cũng không có dự án nhà ở xã hội được cấp phép mới, số dự án đang triển khai xây dựng là 3 dự án.