Hà Nội không còn tình trạng nợ đọng xây dựng nông thôn mới

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội đã huy động nguồn lực đa dạng, tổ chức triển khai quyết liệt các chính sách phát triển, tạo chuyển biến căn bản cho diện mạo nông nghiệp, nông thôn và đời sống người nông dân.

Một tuyến đường được nâng cấp khang trang, sạch đẹp tại xã Liên Trung, huyện Đan Phượng
Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, tổng kinh phí huy động thực hiện chương trình từ năm đầu năm 2016 đến nay là khoảng 56.513 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 58 tỷ đồng; ngân sách TP hơn 20.911 tỷ đồng (hỗ trợ trực tiếp hơn 6.973 tỷ đồng, hỗ trợ theo chương trình lồng ghép hơn 13.937 tỷ đồng); ngân sách huyện hơn 29.275 tỷ đồng; ngân sách xã hơn 1.455 tỷ đồng. 
Đáng chú ý, vốn huy động ngoài ngân sách Nhà nước cho chương trình đạt khoảng 4.813 tỷ đồng. Trong đó, đóng góp của Nhân dân (bằng ngày công lao động trực tiếp, hiến đất làm các công trình công cộng...) là gần 1.977 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp, hợp tác xã hơn 2.037 tỷ đồng; các nguồn vốn khác là hơn 798 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đặc biệt chú trọng đến lĩnh vực phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân. Hàng năm, HĐND TP và các huyện, thị xã, các xã đã bố trí ngân sách năm sau cao hơn năm trước; đồng thời, vận động tuyên truyền các tổ chức, cá nhân đóng góp ủng hộ xây dựng nông thôn mới.
Việc quản lý và sử dụng kinh phí được phân bổ trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được các cấp, ngành thực hiện đảm bảo theo đúng quy định, đảm bảo thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm. Đến nay, TP Hà Nội không còn tình trạng nợ đọng xây dựng nông thôn mới.
Nhờ sự vào cuộc chủ động, tích cực của các sở ngành, địa phương và người dân, tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt bình quân 2,54%/năm; giá trị sản xuất đạt 280 triệu đồng/ha, tăng 1,21 lần so với năm 2015. Cơ cấu nội ngành chuyển dịch tích cực theo hướng kinh tế hàng hóa, tạo việc làm và thu nhập tại chỗ cho nông dân.
Phát triển nông nghiệp hàng hóa, công nghệ cao và an toàn thực phẩm được chú trọng; hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh tập trung, chăn nuôi quy mô lớn. Kéo theo đó, đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 51,5 triệu đồng/người/năm...