Chiều 17/1, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT đã có cuộc làm việc với Sở NN&PTNT Hà Nội về việc chuẩn bị nguồn cung, bảo đảm an toàn thực phẩm nông lâm thuỷ sản dịp Tết Giáp Thìn 2024.
Khai thác đa dạng nguồn cung
Theo Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thu Hằng, trong dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của hơn 10 triệu người dân cư trú trên địa bàn Thủ đô thường tăng khoảng 10 - 15%.
Với nhu cầu tiêu thụ trên, khả năng tự sản xuất, cung ứng các sản phẩm nông lâm thủy sản của Hà Nội cơ bản đáp ứng đối với 2 nhóm sản phẩm thịt gia cầm, trứng gia cầm. Đối với các nông sản thực phẩm khác, khả năng tự đáp ứng đạt khoảng 20 - 70%.
Lượng hàng hóa nông sản còn thiếu và các sản phẩm đặc sản vùng miền phục vụ nhu cầu đa dạng của người dân Thủ đô, khách du lịch được các kênh phân phối, doanh nghiệp, siêu thị, đơn vị Hà Nội khai thác từ các tỉnh, TP và một phần nhập khẩu.
Đặc biệt, thực hiện Chương trình phối hợp giai đoạn 2021 - 2025, Sở NN&PTNT Hà Nội và 43 tỉnh, TP trên cả nước đã xây dựng và phát triển được 997 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. 100% các chuỗi cung cấp thực phẩm từ các tỉnh, TP vào Hà Nội đều được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc tương đương.
“Việc đẩy mạnh kết nối, khai thác đa dạng nguồn cung đã góp phần đảm bảo nguồn cung các sản phẩm nông lâm thủy sản phục vụ người dân; đồng thời cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường dịp Tết Nguyên đán những năm gần đây…” - bà Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết thêm.
Giữ ổn định giá cả các mặt hàng
Tại cuộc làm việc chiều 17/1, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) Ngô Hồng Phong đánh giá cao việc Hà Nội đã chủ động xây dựng kế hoạch nhằm bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Ngoài nguồn sản xuất tự cung thì cũng phát triển đa dạng các nguồn cung khác.
“Đoàn công tác yên tâm vì Hà Nội có chương trình phối hợp, kết nối khai thác nguồn cung với 43 tỉnh, TP trên cả nước. Điều này không chỉ bảo đảm nguồn cung về mặt số lượng mà còn trên khía cạnh chất lượng…” - ông Phong cho biết thêm.
Không lo về số lượng, tuy nhiên, đại diện Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường lưu ý Hà Nội vấn đề về kho lạnh bảo quản thực phẩm. Theo đó, đề nghị TP cần rà soát lại hệ thống lưu trữ, phân phối, để bảo đảm chất lượng thực phẩm và sự chủ động cao nhất trong cung ứng.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa, TP rất quan tâm đến vấn đề bảo đảm nguồn cung nông sản, thực phẩm cho người dân. Do đó, thường xuyên đôn đốc các sở ngành triển khai kịp thời, hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Bộ NN&PTNT.
Để bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết Giáp Thìn 2024, hiện nay Sở đang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc theo dõi sát và thông tin thường xuyên tình hình sản xuất, nguồn cung, giá bán, diễn biến dịch bệnh, thời tiết; từ đó đánh giá năng lực cung ứng các mặt hàng thực phẩm thiết yếu khác để có phương án đảm bảo nguồn cung, ổn định thị trường dịp cuối năm và Tết Giáp Thìn 2024.
Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đang đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình cung cầu, giá cả thị trường; chủ trương, biện pháp bình ổn thị trường, góp phần tạo ra sự đồng thuận trong xã hội nhằm hạn chế tối đa các tác động tăng giá do yếu tố tâm lý, đầu cơ, găm hàng đẩy giá lên cao...
Trước đó, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT đã đi kiểm tra một số cơ sở sản xuất - kinh doanh nông sản, thực phẩm trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường Ngô Hồng Phong lưu ý các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục quản lý chặt chẽ các giấy chứng nhận. “Không phải đơn vị nào có giấy chứng nhận cũng hoạt động tốt. Tiền kiểm thông thoáng để tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp, nhưng hậu kiểm phải làm chặt và xử lý nghiêm” - ông Ngô Hồng Phong nói.