Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Khu chợ được đầu tư hơn 3 tỷ đồng tại huyện Sóc Sơn trước nguy cơ bị bỏ không

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Được xây dựng để khắc phục sự cố cháy chợ trung tâm huyện Sóc Sơn hồi tháng 6/2018, tuy nhiên đến nay, khi chợ chính được hoàn thành và đi vào hoạt động, khu chợ tạm được đầu tư hơn 3 tỷ đồng đang bị bỏ không.

Chợ tạm bảo đảm hiệu quả đầu tư
Vụ cháy chợ trung tâm huyện Sóc Sơn xảy ra vào ngày 21/6/2018. Sự cố hơn 3 năm về trước đã khiến hàng ngàn mét vuông khu chợ chính bị thiêu rụi. Hơn 200 hộ tiểu thương bỗng chốc mất nơi kinh doanh, buôn bán. Thiệt hại về kinh tế ước tính hàng chục tỷ đồng. 
Khu chợ được đầu tư hơn 3 tỷ đồng hiện đang bị bỏ không tại huyện Sóc Sơn. Ảnh: Trọng Tùng.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng cho biết, sau khi chợ chính bị cháy, UBND huyện đã huy động nguồn lực, đầu tư trên 3 tỷ đồng để xây dựng khu chợ tạm trên diện tích khoảng 5.800m2. Nói là công trình tạm nhưng khu chợ được thiết kế xây dựng đạt tiêu chuẩn chợ nông thôn với đầy đủ các hạng mục thiết yếu như: Sạp hàng, nhà vệ sinh, khu vực trông giữ xe cộ - phương tiện, hệ thống chiếu sáng, phòng cháy chữa cháy… 
“Gần ba năm qua, khu chợ tạm nằm kế bên diện tích chợ trung tâm huyện Sóc Sơn bị cháy vận hành ổn định; đáp ứng đầy đủ nhucầu buôn bán, kinh doanh cho các hộ tiểu thương và Nhân dân địa phương trong thời gian chờ đầu tư xây dựng chợ mới…” - ông Dũng cho biết thêm.
Cùng với vận hành tốt khu chợ tạm, UBND huyện Sóc Sơn tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ Dự án cải tạo, xây dựng chợ trung tâm huyện trên diện tích khu chợ bị cháy cách đây 3 năm. Trước đó, dự án được UBND TP Hà Nội chấp thuận cho phép đầu tư bằng nguồn ngân sách huyện. 
Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Sóc Sơn Nguyễn Bá Hoàng, dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 23,37 tỷ đồng bao gồm các hạng mục khắc phục nhà chợ chính với diện tích 2.729m2; cải tạo ba khu nhà xung quanh chợ chính; hệ thống cổng, tường rào khu vực phía Nam của chợ. Hệ thống đường ống dẫn, rãnh thoát nước xung quanh khu vực chợ cũng được xây dựng mới... Công trình đến nay đã hoàn thành, được bàn giao và đưa vào sử sụng ổn định.
Sẽ chuyển đổi thành trung tâm thương mại?
Thực tế, trong khi chờ xây dựng chợ mới, khu chợ tạm được UBND huyện Sóc Sơn đầu tư hơn 3 tỷ đồng đã phát huy tốt giá trị trong việc ổn định kinh doanh, buôn bán cho hàng trăm hộ tiểu thương và người dân địa phương. Tuy nhiên sau khi chợ mới được hoàn thành, toàn bộ tiểu thương đã rời khỏi chợ tạm. 
Kế hoạch chuyển đổi công năng của khu chợ có thể gặp rào cản lớn do nhu cầu về địa điểm buôn bán, kinh doanh của người dân hiện nay không quá lớn.
Ghi nhận thực tế cho thấy, chỉ ít tháng sau khi không còn tiểu thương lui tới, khu chợ tạm được đầu tư ba năm trước giờ bị bỏ không. Một số hạng mục như hệ thống chiếu sáng, phòng cháy chữa cháy, biển chỉ dẫn - cảnh báo, các ki-ốt… đã dần xuống cấp, hư hỏng.
Trao đổi với Kinh tế&Đô thị, đại diện UBND huyện Sóc Sơn cho biết, hiện khu chợ tạm vẫn đang được Bản Quản lý chợ loại II huyện Sóc Sơn quản lý. Thời gian tới, căn cứ nhu cầu của người dân, các hộ tiểu thương trên địa bàn, huyện có thể xem xét cho thuê các ki-ốt hiện có, hoặc chuyển đổi công năng thành trung tâm thương mại.  
Định hướng là vậy, nhưng thực tế hiện nay nhu cầu thuê ki-ốt mới để buôn bán của người dân là rất thấp; phần vì chợ trung tâm mới xây dựng đã cơ bản đáp ứng giao thương; thứ nữa là tình hình dịch Covid-19 hiện nay khiến không nhiều người có ý định đổ vốn kinh doanh. Trong khi đó, nhu cầu về tính cấp thiết của một trung tâm thương mại vẫn đang là dấu hỏi lớn. Cũng bởi vậy, làm thế nào để không lãng phí cơ sở hạ tầng khu chợ tạm đang là bài toán đặt ra đối với huyện Sóc Sơn.