Hà Nội kiểm soát các thông tin thất thiệt gây bất ổn thị trường

Tâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản ký ban hành Công văn số 3050/UBND-KT về tăng cường công tác quản lý giá, công tác bình ổn giá trên địa bàn.

Công văn nêu rõ, UBND TP Hà Nội yêu cầu các Sở, Ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao, thực hiện tốt các nhiệm vụ. Cụ thể, Sở Tài chính thường xuyên nắm chắc diễn biến giá cả thị trường, thực hiện chế độ báo cáo nhanh về Bộ Tài chính và UBND TP để có biện pháp chỉ đạo kịp thời bình ổn giá cả thị trường. Khi giá cả thị trường có biến động bất thường, chủ động tham mưu cho UBND TP có phương án ổn định thị trường.
 
Sở Tài chính chủ trì cùng các Sở, ngành tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn đối với mặt hàng bình ổn giá, kê khai giá theo quy định; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá theo đúng quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá.

Kiểm soát chặt chẽ chi phí đối với giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá theo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước; hàng hóa dịch vụ được trợ giá, trợ cước; đánh giá kỹ tác động của việc điều chỉnh giá (nếu có) để có phương án và lộ trình điều chỉnh phù hợp.

Sở Công Thương chủ động theo dõi, dự báo diễn biến thị trường, cân đối cung cầu các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yêu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn TP; kịp thời báo cáo, đề xuất UBND TP các biện pháp cụ thể đảm bảo đủ lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân. 

Phối hợp các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP tổ chức tốt hệ thống phân phối và tăng cường công tác dự trữ hàng hóa, mở rộng nguồn hàng, không để xảy ra mất cân đối cung cầu dẫn đến tăng giá đột biến, nhất là các mặt hàng thiết yếu.

Chủ trì, phối hợp các Sở, ngành trong việc tổ chức thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu, công khai thông tin về chương trình của TP để doanh nghiệp và Nhân dân được biết.

Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; Xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng (sai quy định), các thủ đoạn gian lận đo lường, đóng gói để tăng giá nhằm thu lợi bất chính theo đúng quy định của pháp luật; kiểm soát các thông tin thất thiệt gây bất ổn thị trường.

Thực hiện việc hướng dẫn, tiếp nhận đăng ký giá, kê khai giá và quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định tại Nghị định số 149/2016/NĐ- CP ngày 11/11/2016 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá.

Sở Y tế thực hiện hướng dẫn tiếp nhận rà soát hồ sơ kê khai giá, đăng ký giá thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người theo quy định của Bộ Y tế. Công khai mức giá của các tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh thuốc, các bệnh viện và phòng khám chữa bệnh trên địa bàn để phục vụ cho công tác kiểm tra, giám sát giá của các cơ quan quản lý nhà nước và của người dân nhằm thực hiện công tác quản lý giá có hiệu quả. Chủ trì tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá, không để giá thuốc và giá dịch vụ khám chữa bệnh tăng cao bất hợp lý.

Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường quản lý, chỉ đạo các cơ sở giáo dục đào tạo tiết giảm chi phí hoạt động, không thu thêm các khoản thu ngoài học phí quy định.

Sở Giao thông vận tải thực hiện việc hướng dẫn, tiếp nhận, rà soát văn bản kê khai giá cước vận tải theo quy định. Chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra kiểm soát việc kê khai, niêm yết giá cước vận tải, không để xảy ra tình trạng thu giá cước không đúng quy định. Tăng cường phối hợp với Công an TP tiếp tục phân luồng, tổ chức giao thông hợp lý, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa trên địa bàn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, theo dõi sát diễn biến thị trường các mặt hàng nông sản, phối hợp với Sở Công Thương theo dõi diễn biến thị trường và cân đối cung cầu các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu như thóc gạo, thịt lợn, thịt gia súc gia cầm, đường... nhằm ổn định thị trường giá cả. Tăng cường công tác kiểm tra việc buôn bán và sử dụng chất cấm trong sản suất, chế biến nông sản và chăn nuôi, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm.

UBND các quận, huyện, thị xã chủ động tích cực phối hợp với các Sở, ngành liên quan triển khai các nhiệm vụ trên địa bàn quản lý. Chỉ đạo Phòng Tài chính – Kế hoạch theo dõi diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu theo quy định tại Thông tư 55/2011/TT-BTC ngày 29/4/2011 của Bộ Tài chính gửi Sở Tài chính tổng hợp báo cáo Bộ Tài Chính và UBND TP Hà Nội trước ngày 20 hàng tháng.

Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về giá, phí, xử lý các trường hợp lợi dụng tình hình để đầu cơ, ép giá, găm hàng, đưa tin thất thiệt nhằm đẩy giá bán lên cao, gây bất ổn định thị trường, đặc biệt đối với những hàng hóa dịch vụ thiết yêu.

Tăng cường công tác kiểm tra việc thu phí trông giữ xe máy, ô tô trên địa bàn quận, huyện, thị xã và xử lý nghiêm những trường họp vi phạm. Kiên quyết giải tỏa các chợ cóc, tụ điểm kinh doanh và các điểm trông giữ xe không phép, trái phép, vi phạm an toàn giao thông trên địa bàn. Không cấp giấy phép sử dụng hè đường để trông giữ xe đạp, xe máy, phương tiện ô tô đối với tổ chức, cá nhân nhiều lần vi phạm các quy định của Nhà nước.

Độc giả có thể tham khảo toàn văn Công văn trên TẠI ĐÂY