Hà Nội: Kiến nghị hạn chế tình trạng tự do, tùy tiện điều chỉnh quy hoạch

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Các đại biểu đề nghị, việc điều chỉnh quy hoạch phải thống nhất, tối thiểu là 5 năm; đồng thời cần những quy định chặt chẽ hơn về điều chỉnh quy hoạch để hạn chế tình trạng tự do, tùy tiện trong điều chỉnh quy hoạch mà nhiều đô thị, trong đó có Hà Nội đã phải trả giá.

Chiều nay, 28/2, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Rà soát thật kỹ, xem xét cẩn trọng.

Chủ trì Hội nghị, phát biểu khai mạc, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương cho biết: Luật Đất đai hiện hành được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 6, thông qua ngày 29/11/2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014, được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 6 ngày 20/11/2018 sửa đổi, bổ sung. Sau gần 10 năm tổ chức thi hành Luật, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi cho việc khai thác nguồn lực và sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả đất đai… Tuy nhiên, đến nay, công tác quản lý và sử dụng đất còn tồn tại, hạn chế về một số mặt như: Quy hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể, hệ thống, chất lượng chưa cao, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững…

"Những vấn đề nêu trên đặt ra yêu cầu phải xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai đồng bộ, thống nhất, phù hợp thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN"- bà Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh.

Từ đó, đề nghị các đại biểu cho ý kiến về các nội dung: Lấy ý kiến và công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, về tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Về thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (TĐC), đề nghị các đại biểu cho ý kiến về: Các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng, các tiêu chí, điều kiện thực hiện thu hồi đất; về việc lấy ý kiến phương án bồi thường, hỗ trợ, TĐC; việc bồi thường, hỗ trợ, TĐC khi Nhà nước thu hồi đất và tính khả thi của các quy định này...

Đồng thời, đề nghị cho ý kiến về quyền, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc hoàn thành đăng ký đất đai, trách nhiệm trong từng khâu giải quyết TTHC, đẩy mạnh CCHC, chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất; bảo đảm quản lý, vận hành, kết nối và chia sẻ thông tin tập trung, thống nhất từ T.Ư đến địa phương.

Liên quan đến cơ chế, chính sách tài chính, giá đất, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ TP đề nghị đại biểu cho ý kiến về: Những trường hợp miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; nguyên tắc, phương pháp định giá đất; về bảng giá đất và thời kỳ ban hành bảng giá đất; về các trường hợp áp dụng bảng giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Đối với việc phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực, cho ý kiến về phân cấp, phân quyền quản lý đất đai, đi đôi với giám sát, kiểm soát quyền lực, về thẩm quyền xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đất đai…

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương chủ trì Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương chủ trì Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Góp ý tại Hội nghị, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, Dự thảo Luật đến nay gồm 16 Chương, 236 Điều đã được nghiên cứu nghiêm túc, công phu. Nội dung Luật cơ bản đề cập đồng bộ các yêu cầu từ định hướng quản lý, yêu cầu từ thực tiễn đã có những đổi mới mang tính đột phá. Từ yêu cầu về Luật sửa đổi, sự quan tâm của cộng đồng trong quá trình hoàn thiện rất cần linh hoạt hơn các hình thức góp ý, có trao đổi và xác định được giải pháp tổ chức thực hiện Luật kịp thời, hạn chế bất cập với các Luật khác.

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Còn theo TS Lê Văn Hoạt - Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - pháp luật, Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) được chuẩn bị công phu, có nội dung khá toàn diện, nhiều điểm mới có tính chất đột phá. Ví dụ, những điểm mới trong xác định giá đất, cơ chế, chính sách tài chính về đất đai; cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa T.Ư và địa phương; điều tiết chênh lệch địa tô, đảm bảo công khai, minh bạch. Quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang… Tuy nhiên, đại biểu này đề xuất rà soát kỹ, cụ thể hơn, đảm bảo thống nhất hơn giữa các nội dung trong Luật này và các luật khác có liên quan, để đảm bảo tính khả thi của Luật. Đây là vấn đề rất rộng, phức tạp và quan trọng, có phạm vi và mức độ ảnh hưởng rất lớn nên cần được rà soát thật kỹ, xem xét cẩn trọng.

Quy định chặt chẽ hơn về điều chỉnh quy hoạch

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận định, Dự thảo Luật Đất đai nhận được nhiều sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia. Do đó, đề nghị việc quy định về quản lý đất phải có thời gian rà soát cụ thể. Việc điều chỉnh quy hoạch phải thống nhất, tối thiểu 5 năm; đồng thời, cần có những quy định chặt chẽ hơn về điều chỉnh quy hoạch để hạn chế tình trạng tự do, tùy tiện trong điều chỉnh quy hoạch mà nhiều đô thị, trong đó có Hà Nội đã phải trả giá. Bên cạnh đó, cần công bố công khai các phương án bồi thường, hỗ trợ, TĐC sau khi phê duyệt; tuyên truyền đến Nhân dân và lắng nghe ý kiến phản hồi từ người dân. Do vậy, để đảm bảo chặt chẽ và thận trọng nên quy định có một khoảng thời gian kể từ khi phương án bồi thường, hỗ trợ, TĐC được phê duyệt mới được tiến hành ra quyết định thu hồi đất.

TS Bùi Thị An - Phó Chủ nhiệm HĐTV về Kinh tế, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội nêu ý kiến 
TS Bùi Thị An - Phó Chủ nhiệm HĐTV về Kinh tế, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội nêu ý kiến 

TS Bùi Thị An, Phó Chủ nhiệm HĐTV về Kinh tế, Ủy ban MTTQ TP cũng đồng tình đây là một bộ Luật khó, phức tạp nhưng vô cùng quan trọng, có lẽ chỉ sau Hiến pháp vì liên quan mọi người dân và cũng có đến 90% các bức xúc, khiếu kiện, tranh chấp của người dân trong thời gian qua có nguồn gốc từ đất đai. Chính vì vậy, Quốc hội có chủ trương lấy ý kiến rộng rãi của người dân là rất đúng, cần thiết để khắc phục những khiếm khuyết, bất cập của Luật đất đai 2013, bởi theo bà, khi làm chính sách phải xuất phát từ nguyện vọng chính đáng của đa số người dân. Muốn lấy được nhiều ý kiến người dân thì phải có phương pháp thu thập, lắng nghe ý kiến Nhân dân, kể cả những người nông dân vùng sâu, vùng xa, vùng hẻo lánh để nắm bắt bắt được các yêu cầu cụ thể.

Kết luận Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương cho biết đã có 20 ý kiến bằng văn bản gửi tới Hội nghị và 9 ý kiến phát biểu trực tiếp. Qua đó cho thấy Luật Đất đai (sửa đổi) đã rất coi trọng quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân trong lĩnh vực đất đai. Luật có phạm vi rộng, quan trọng, bao quát các lĩnh vực. Các đại biểu cũng ghi nhận những điểm mới trong Luật Đất đai (sửa đổi). Trân trọng cảm ơn những ý kiến của các đại biểu, thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm đối với công việc lớn của đất nước, bà Nguyễn Lan Hương cho biết những ý kiến tâm huyết nhất, khoa học nhất của các đại biểu sẽ được Ủy ban MTTQ Việt Nam TP tổng hợp, chắt lọc để phản ánh lên Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và các cơ quan soạn thảo, đảm bảo tiến độ thời gian và chất lượng.

Triển khai Kế hoạch số 676/KH-MTTW-BTT ngày 1/2/2023 của Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam về tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP đã khẩn trương tổ chức thực hiện. Việc tổ chức hội nghị góp ý kiến đang được MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên các cấp tích cực triển khai một cách rộng rãi, thông qua nhiều hình thức như: Tại hội nghị ĐBND ở các thôn, tổ dân phố; tại các hội nghị góp ý do MTTQ Việt Nam cấp xã, cấp huyện và các tổ chức thành viên tổ chức; lấy ý kiến thông qua hệ thống Fanpage của MTTQ Việt Nam các cấp và qua tiếp nhận các văn bản góp ý.

Đến ngày 28/2/2023, đã có 19 Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện tổ chức hội nghị với 175 ý kiến góp ý trực tiếp và 152 ý kiến góp ý bằng văn bản; 521 Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã tổ chức hội nghị với hơn 2.000 ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).