Đề cập cụ thể về vấn đề này tại hội nghị trực tuyến do Bộ Tài chính với các địa phương về việc giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của Chính phủ 5 tháng đầu năm 2021 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, năm 2021, việc triển khai và giải ngân các dự án ODA còn chậm do một số khó khăn vướng mắc.
Vốn đầu tư công và vay ODA của Việt Nam chủ yếu đầu tư trong các dự án giao thông. Trong ảnh: Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng |
Một trong những khó khăn lớn là ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nên việc các chuyên gia sang Việt Nam gặp khó khăn; các thiết bị cho các dự án (như đầu máy toa xe của gói thầu số 6 - dự án Tuyến đường sắt đô thị số 3; các thiết bị nhà máy xử lý nước thải của gói thầu số 1 - dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá) phải nhập khẩu từ châu Âu, Nhật Bản... đều bị chậm tiến độ sản xuất và giao hàng.
Ngoài nguyên nhân về dịch Covid-19, việc triển khai một số dự án còn gặp các vướng mắc cụ thể như đối với dự án Tuyến đường sắt đô thị số 3 là vướng mắc về điều chỉnh thời gian và kinh phí của các gói thầu do tiến độ bị thực hiện dự án kéo dài do nhiều nguyên nhân trong đó lớn nhất là việc chậm GPMB các ga ngầm, nhiều khả năng dẫn đến tranh chấp hợp đồng với các nhà thầu quốc tế… đối dự án Tuyến đường sắt đô thị số 2 là vướng mắc về thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án chưa thực hiện xong; và liên quan đến quy hoạch ga ngầm C9 (sát hồ Hoàn Kiếm) nên không thi công được các gói thầu xây lắp. Đối với dự án Tăng cường giao thông đô thị bền vững cho dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 Hà Nội là vướng mắc về việc cơ cấu lại dự án, phải thực hiện thủ tục điều chỉnh...
Để thúc đẩy việc giải ngân vốn ODA trong năm 2021, TP Hà Nội kiến nghị Bộ KH&ĐT sớm có hướng dẫn để các địa phương và các ngành rà soát, báo cáo Bộ KH&ĐT thực hiện thủ tục điều chỉnh kế hoạch vốn ODA năm 2021; đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm xem xét cho ý kiến trong quá trình thực hiện các thủ tục điều chỉnh các Hiệp định vay với các nhà tài trợ của các dự án (cụ thể hiện nay là điều chỉnh thỏa ước vay AFD của Dự án Tuyến ĐSĐT Nhổn - ga Hà Nội); Bộ LĐTB&XH (chủ quản dự án Tăng cường lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp) sớm thực hiện các thủ tục ký Hiệp định vay của các dự án trường nghề để các dự án thành phần có thể giải ngân.
Theo đại diện lãnh đạo UBND TP Hà Nội, các dự án ODA hiện nay đang triển khai tại Hà Nội chủ yếu là các dự án lớn về đường sắt đô thị, quá trình triển khai gặp nhiều vướng mắc trong GPMB, sự khác biệt giữa quy định hiện hành của Việt Nam và thông lệ quốc tế, quy định nhà tài trợ khi triển khai các hợp đồng với nhà thầu quốc tế dẫn đến phát sinh nhiều tranh chấp. Do vậy, TP Hà Nội đề nghị các Bộ: KH&ĐT, Tài chính, GTVT, Xây dựng, Tư pháp… quan tâm, hướng dẫn UBND TP để xử lý các vướng mắc nêu trên, góp phần thúc đẩy tiến độ thực hiện, hạn chế các tranh chấp với nhà thầu.