Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Kỳ vọng đòn bẩy nâng tầm hợp tác xã

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những năm qua, được sự quan tâm của TP, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) của Hà Nội đã có những bước phát triển đáng kể. Dù vậy, kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốn. Hoạt động của các HTX vẫn bộc lộ nhiều hạn chế cần cải thiện trong giai đoạn tới.

Hơn 65% tổng số HTX hoạt động hiệu quả
Theo thống kê của Liên minh HTX TP, tổng số HTX đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội là 1.802 HTX. Đa số HTX đều đã chuyển đổi, đăng ký lại theo Luật HTX năm 2012. Hoạt động của các HTX góp phần mang lại việc làm cho gần 600.000 thành viên. 
Những năm qua, số lượng HTX được thành lập mới ngày một tăng về quy mô và chất lượng hoạt động. Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao và sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi liên kết được hình thành, bước đầu thay đổi phương thức vận hành của các HTX.
Hợp tác xã trên địa bàn Hà Nội cần thêm trợ lực để thúc đẩy phát triển trong giai đoạn mới. Ảnh: Trọng Tùng.
Doanh thu bình quân của một HTX liên tục tăng, hiện đã đạt khoảng 2,8 tỷ đồng/năm. Trung bình mỗi HTX thu lãi khoảng 200 triệu đồng/năm. Thu nhập của lao động trong các HTX không ngừng được cải thiện; đến nay đã đạt hơn 50 triệu đồng/năm.
Hoạt động của các HTX ngày càng đi vào chiều sâu. Tình trạng bình mới rượu cũ từng bước được khắc phục. Kết quả đánh giá các HTX mới nhất cho thấy, có hơn 65% tổng số HTX trên địa bàn TP đang hoạt động hiệu quả, góp phần quan trọng phát triển kinh tế nông thôn.
Mặc dù vậy, đánh giá khách quan cho thấy, tỷ trọng đóng góp của các HTX đối với nền kinh tế chưa cao. Thu nhập của người lao động khu vực kinh tế tập thể còn thấp so với các nhóm ngành kinh tế khác. Năng lực nội tại về vốn, nhân lực, tư liệu sản xuất để phát triển của phần lớn các HTX còn hạn chế. Toàn TP vẫn còn khoảng 362 HTX hoạt động kém hiệu quả, chờ giải thể…
Sớm xây dựng đề án hỗ trợ
Chuyển biến của khu vực kinh tế tập thể, HTX trong 5 năm qua có được bên cạnh nỗ lực tự thân của thành viên các HTX, còn phải đề cập tới sự quan tâm của TP Hà Nội. Nhận thức ý nghĩa quan trọng của nguồn nhân lực, từ năm 2016 đến nay, TP đã bố trí hơn 14 tỷ đồng để đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ các HTX. 
Để chính sách đi vào thực tiễn, cụ thể và sát sườn, 5 năm qua, TP đã chỉ đạo Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX cho vay được 1.143 dự án, với tổng kinh phí hơn 376 tỷ đồng. 30 HTX cũng được hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng với tổng số tiền hàng chục tỷ đồng. Bên cạnh đó là nhiều chính sách ưu đãi về ứng dụng khoa học, kỹ thuật và xúc tiến thương mại…
Phó Chủ tịch Liên minh HTX TP Nguyễn Trung Thành cho biết, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ và thực chất cho khu vực kinh tế tập thể, vừa qua, đơn vị đã xây dựng Đề án Hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu hướng đến là phát triển HTX nhanh, hiệu quả và bền vững, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội của Thủ đô.
Trong nội dung Đề án, Liên minh HTX TP đã đề ra nhiều nhiệm vụ giải pháp cụ thể. Trong đó, tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớn Nhân dân về kinh tế tập thể, HTX. Hoàn thiện cơ chế, chính sách, gắn với củng cố, đổi mới hoạt động của các HTX.
Đại diện Liên minh HTX TP cho biết, hiện nay Đề án đang được lấy ý kiến rộng rãi của các sở, ban, ngành, địa phương để hoàn thiện, trình UBND TP xem xét. Nếu được phê duyệt, đây sẽ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy mục tiêu đổi mới hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn Hà Nội. 
Theo mục tiêu Đề án Hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, Liên minh HTX TP phấn đấu đến năm 2025, có 80% tổng số HTX hoạt động hiệu quả; doanh thu bình quân đạt 3,5 tỷ đồng/HTX/năm; lợi nhuận không thấp hơn 230 triệu đồng/HTX/năm, và thu nhập của thành viên, người lao động đạt ít nhất 66 triệu đồng/người/năm. Toàn TP cũng sẽ có 16 mô hình HTX, liên hiệp KTX kiểu mới hoạt động hiệu quả theo Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 3/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ.