“Hà Nội là Hà Nội”

Lệ Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chọn Hà Nội đương đại làm đề tài theo đuổi như một dự án dài hơi, những cuốn sách của Nguyễn Trương Quý được giới chuyên môn đánh giá là tư liệu quý cho sinh viên nghiên cứu về Hà Nội. Đó cũng là lý do mà Nhà xuất bản Trẻ cho tái bản cuốn “Hà Nội là Hà Nội”.

 
“Hà Nội là Hà Nội” - Ảnh 1
Đúng như tên gọi “Hà Nội là Hà Nội”, cuốn sách là cuộc tìm kiếm những giá trị văn hóa ở một TP tưởng như đã định hình nét văn hóa mà vẫn liên tục phải gọt giũa. Nhà văn Nguyễn Trương Quý chia sẻ: “Chất Hà Nội thì ai cũng mong tốt đẹp toàn phần, nhưng sự đời không đơn giản thế. Hành trình tìm kiếm của tôi cũng không chỉ loanh quanh 36 phố phường hay mấy quận nội thành, mà trải trên những cột mốc. Cách Hà Nội 10, 50, 100, 1.000 cây số, tôi lại thấy rõ hơn nhiều điều về nơi tôi sinh ra này. Nhiều khi thấy lắm nơi cũng có những thứ giống Hà Nội đến lạ. Ở những nơi xa xôi thế, vẫn có những người đã từng ở Hà Nội hay tình cờ ghé qua mà để lại dấu ấn văn hóa”. Ở cự ly 10 cây số, ứng với phạm vi trung tâm Hà Nội, Nguyễn Trương Quý viết về những “dòng chìm dòng nổi” của đời sống văn hóa nơi đây. Ở cự ly 50 cây số là những làng quê đồng bằng Bắc Bộ, nơi bao bọc lấy Hà Nội, “nhà bếp” của Hà Nội, nơi cung cấp thực phẩm và sản phẩm thủ công cho Kẻ Chợ xưa và Hà Nội nay. Ra đến phạm vi 100 cây số, anh kể về những so sánh do không còn ảnh hưởng trực tiếp từ Hà Nội. Và cách Thủ đô 1.000 cây số và hơn nữa, là nơi anh kể về nỗi nhớ Hà Nội, thứ anh không mang theo được. Gấp lại cuốn sách, chắc chắn, những ai đã từng ghé đến Hà Nội đều thấy mình trong đó, còn ai chưa từng chạm chân đến nơi này đến muốn xách ba lô lên và đi.