Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội là thế...

Nhật Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong dập dìu những lời hẹn đón chào năm mới 2025 ở mảnh đất đô hội Hà thành, người ta lại thấy thấp thoáng dáng hình và sắc màu văn hóa của đồng bào các dân tộc anh em.

Hà Nội là thế, không thôi gìn giữ những thâm trầm, cổ kính của đất nghìn năm, nhưng cũng không ngừng hội tụ và lan tỏa những sắc màu văn hóa đặc sắc bốn phương.

Muôn màu văn hóa

Rất nhiều “lời hò hẹn” khi năm mới 2025 ngấp nghé bên thềm. Chắc chắn giới trẻ sẽ đợi chờ lễ hội countdown tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục; chắc chắn người Hà Nội không quên những sân khấu rộn không khí Xuân ở phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm; chắc chắn người Hà thành sẽ đếm ngược đến lúc pháo hoa rực rỡ trên nền Tháp Rùa trong đêm giao thừa…

Thế nhưng trong hành trang đón năm mới của họ năm nay có cả lời hẹn đến Fesstival hoa Mê Linh, đến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây và cả “Chợ phiên vùng cao - Chào năm mới 2025” tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam. Bởi đến ông bạn hưu trí đã ở độ tuổi “đi xe buýt cho an toàn” của tôi còn khấp khởi: “Năm nay, chúng ta đến phiên chợ vùng cao đi ông! Xuống chợ xem bà con múa khèn, giã bánh dày… cũng hay lắm!”.

Thì đúng, dịp Tết Dương lịch năm nay, khu Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam lại mở hội đón Xuân bằng “Chợ phiên vùng cao” với các nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán truyền thống, đặc trưng các dân tộc.

Ở đó có chợ phiên, có múa khèn, giã bánh dày, có dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian; có ẩm thực dân tộc, sản vật địa phương, nghề thủ công truyền thống của bà con dân tộc Mông, Dao, Thái…

Ở đó còn tái hiện lễ mừng cơm mới của người Thái - dịp mà người thân trong gia đình, làng bản hội ngộ chung vui, chia sẻ với nhau công việc làm ăn, xây dựng gia đình và thắt chặt thêm tình đoàn kết cộng đồng; tái hiện lễ hội cầu may của các dân tộc Mông, Dao, Thái - một tục lệ ngày đầu năm mới của dân bản để mong cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, đời sống no ấm…

Người dân Thủ đô tham quan Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ảnh: Phạm Hùng
Người dân Thủ đô tham quan Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ảnh: Phạm Hùng

Đồng bào Mông (Thanh Hóa) còn chọn dịp này để “khoe” Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia của dân tộc mình - nghệ thuật trình diễn Khèn. Ngoài các màn trình diễn khèn đơn, khèn đôi, các nghệ nhân người Mông còn giúp du khách tìm hiểu về cây khèn, cùng tập thổi khèn, múa khèn trong không khí rộn rã niềm vui của những ngày “năm cũ sắp qua, năm mới gõ cửa”.

Còn nhớ năm ngoái, “Phiên chợ vùng cao ngày Tết” cũng cho người Hà thành một không gian văn hóa giàu trải nghiệm với lễ hội Pang Phoóng (Lễ tạ ơn) của dân tộc Kháng tỉnh Điện Biên, lễ cầu năm mới, cầu mùa của dân tộc Dao, múa Khèn của dân tộc Mông tỉnh Bắc Kạn - những hoạt động vốn chỉ diễn ra ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

Thêm cả màn thi thổi xôi ngũ sắc và mâm cơm mừng năm mới của đồng bào dân tộc Thái tỉnh Sơn La, rồi thưởng thức hương vị ẩm thực dân tộc Mường những ngày Đông… Năm trước đó thì người Hà thành lại có dịp được thưởng thức bữa tiệc thời trang rực rỡ và đầy bản sắc của bà con dân tộc sống ở 17 tỉnh, TP khu vực phía Bắc.

Sắc màu cuộc sống đời thường và trong những dịp trọng đại, lễ hội của bà con Tày, Nùng, Dao, Thái, Pà Thẻn, Mông, Hoa, Hà Nhì, Mường, Dao… tụ hội trong không gian Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam như một bản hòa ca của tình đoàn kết, của sự sáng tạo, của sự giàu có về bản sắc văn hóa.

Ông bạn tôi nói đúng: hương sắc núi rừng, sông suối đã hòa vào món ăn, trang phục, nghệ thuật của đồng bào các dân tộc, tạo nên những màu sắc văn hóa dân dã nhưng độc đáo và cuốn hút. Hương sắc đó hội tụ ở Hà thành đã mở ra những góc trải nghiệm thú vị cho người đô thị, lan tỏa và đọng lại giữa đời sống đô thị những sắc màu văn hóa của núi rừng, thấm đẫm nhân sinh quan của bà con các dân tộc.

Hội tụ và lan tỏa

Hà Nội là thế! Trong hành trình nghìn năm bồi đắp, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, người Hà Nội chưa bao giờ thôi nâng niu những thâm trầm, cổ kính của đất nghìn năm. Nhưng người Hà Nội cũng không bao giờ ngừng mở lòng để hội tụ và lan tỏa những sắc màu văn hóa bốn phương trên đất này.

Thế nên, giữa chốn đô thị hiện đại, vẫn có những không gian độc đáo dành cho văn hóa của bà con các dân tộc. Không chỉ riêng Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam liên tục mở cửa đón người Hà thành vào các không gian đậm sắc màu văn hóa vùng cao, mà rất nhiều sự kiện văn hóa, chương trình biểu diễn hội tụ trong nó lời ca, điệu múa, tiếng khèn, tiếng chiêng, tiếng trống, hương vị ẩm thực từ núi rừng.

Ngay giữa lòng Thủ đô còn có hẳn Bảo tàng Dân tộc học cũng là một không gian gọi mời người Hà thành và du khách trong nước và quốc tế. Ở đó, không gian văn hóa Hà Nội đồng hành cùng các sắc màu văn hóa dân tộc làm nên một bản sắc văn hóa Việt Nam đậm đà sắc hương.

Không thể phủ nhận, sự góp mặt của những sắc màu đó khiến đời sống văn hóa Thủ đô giàu có hơn, bức tranh giao thoa văn hóa Hà Nội đa dạng và nồng đượm tính cách Hà Nội hơn. Di sản văn hóa vì thế càng thêm nhiều cơ hội được bảo tồn và quảng bá hữu hiệu.

Chẳng thế mà cả nghìn năm cho đến tận giờ, Hà Nội luôn là trung tâm văn hóa nghệ thuật lớn nhất cả nước, có điều kiện, cơ hội khai thác, phát huy giá trị của hệ thống thiết chế văn hóa phong phú của T.Ư trên địa bàn.

Các nhà nghiên cứu văn hóa Hà Nội cũng đã dày công để tự tin khẳng định, những hoạt động văn hóa đa dạng và phong phú không chỉ thổi bùng lên một đời sống văn hóa sôi động tại Hà Nội, mà còn lan tỏa tinh thần sáng tạo ra toàn quốc, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, du lịch và dịch vụ.

Văn hóa hội tụ và lan tỏa, đã trở thành động lực phát triển bền vững Thủ đô là chất xúc tác làm đẹp cuộc sống và tạo nền móng vững chắc cho sự thịnh vượng chung của đất nước. Bà con các dân tộc khắp các tỉnh, TP trong cả nước đều nhận ra tiềm năng từ vốn văn hóa giàu có của dân tộc mình, để tiếp tục bồi đắp và phát huy những giá trị trường tồn đó.

Trong hành trình phát triển công nghiệp văn hóa phía trước, với “tính cách” hội tụ và lan tỏa sẵn có, với sự hiện diện ngày càng nhiều không gian văn hóa như vậy, cho thấy truyền thống sáng tạo đã và đang được tiếp nối trên mảnh đất này, không chỉ giúp giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, làm giàu bản sắc đô thị, mà còn góp phần quan trọng vào việc củng cố hệ sinh thái sáng tạo ở “Thủ đô di sản”.

Ông bạn già của tôi nói đúng: “Trong tiết Đông này, được bước vào không gian nhà sàn của bà con, quây quần bên bếp lửa thưởng thức những món ăn nóng hổi với hương vị hấp dẫn, lạ miệng thật là tuyệt! Đó là một trải nghiệm độc đáo nơi TP”. Hà Nội là thế, luôn nâng niu những giá trị nghìn năm, nhưng cũng luôn mở lòng đón nhận những giá trị văn hóa bốn phương, luôn sáng tạo để mang đến cơ hội thụ hưởng văn hóa cho mọi người và nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo trong cộng đồng.