10h thứ bảy, 22/1 (tức 19 tháng Chạp), chị Nguyễn Thu Hiền ở nhà D2, tập thể Thanh Xuân Bắc, Hà Nội gọi điện đến hãng taxi Vạn Xuân yêu cầu một xe. Anh nhân viên tổng đài hứa hẹn: "Chị đợi một lát sẽ có xe đến". Nghe vậy, chị Hiền cùng hai con lục đục khuân đồ xuống chân cầu thang đợi. 15 phút sau không thấy xe nên chị gọi lại thì gặp một cô nhân viên. Cô này bảo: "Bọn em hết xe rồi, chị đợi 30 phút nữa hoặc gọi hãng khác nhé". Nghe thấy thế, chị Hiền đồng ý đợi. Thế nhưng, cho đến chiều cũng chẳng thấy cô nhân viên tổng đài gọi lại.
Rút kinh nghiệm buổi sáng, cuối buổi chiều chị ra đường Nguyễn Quý Đức vẫy một cái taxi. Đây là điểm đỗ của nhiều taxi nên chị tìm ngày được một cái (vào ngày thường lúc nào cũng có 5 - 7 xe đợi khách) mà không phải mất tiền điện thoại cũng như đợi chờ. "Chịu khó đi bộ, xách đồ lỉnh kỉnh nhưng có xe đi ngay", chị Hiền nói. Với những người có quê chỉ cách Hà Nội hơn 30km như chị Hiền, chỉ chừng hơn 1h là đến nhà thì việc di dời thời điểm về không mấy khó khăn. Có lẽ vì thế nên nhiều người mới chủ quan, chỉ đến lúc đi mới gọi xe.
Còn anh Nguyễn Văn Thành, quê ở Thanh Hóa, cách Hà Nội 150km thì hẹn lái xe taxi từ hôm trước. Anh thuê xe chọn một ngày/đêm với mức giá thỏa thuận là 2.200.000đ. Khi về quê, anh sang nhà bạn làm phát sinh quãng đường chừng 25km và đành chấp nhận trả 3.000.000đ. Mặc dù biết là đắt nhưng anh đành chấp nhận vì "họ phục vụ mình trong ngày rét mướt".
Những gia đình có con nhỏ, quê xa thường chọn taxi là phương tiện đi lại bởi ưu điểm, xe đi một mạch, không phải chen lấn như đi xe buýt, xe khách và còn chở được nhiều đồ đạc. Vào mỗi dịp lễ, Tết, nhu cầu này tăng đột biến nên mới dẫn đến tình trạng khan hiếm xe. Kinh nghiệm của chị Thanh Loan là phải có 1-2 lái xe quen, trước Tết chừng một tháng chị gọi điện hẹn lịch. Lái xe cũng rất thích những mối khách hàng như chị vì thường đi đường xa, bao trọn gói cả chiều đi và chiều về. Theo chị, vào những ngày Tết thì không nên gọi đến tổng đài vì phần lớn các hãng "cháy" xe. Nếu không hẹn được lịch với lái xe quen thì nên ra đường vẫy xe là nhanh nhất.
Hà Nội hiện nay có trên 100 hãng taxi, với khoảng 12.000 xe. Cách đây hơn 1 năm, thành phố từng có chủ trương không cấp mào mới cho taxi vì số lượng taxi quá nhiều và cũng siết chặt hoạåt động cấp phép cho các công ty kinh doanh loại hình vận tải taxi. Thanh tra giao thông công chính từng có cuộc điều tra về các doanh nghiệp taxi và đề nghị Sở GTVT rút giấy phép hoạt động của những hãng taxi quá ít đầu xe, không có trung tâm điều hành... Đây là một trong những phần việc nhằm chấn chỉnh hoạt động taxi bởi sự bung ra về lượng nhưng không đảm bảo về chất.
Ông Hoàng Văn Mạnh, Phó Chánh thanh tra giao thông, Sở Giao thông Vận tải cho biết, hầu như năm nào vào dịp Tết cũng xảy ra tình trạng "cháy" taxi. Việc này là do cầu quá cung, các hãng taxi không thể điều chỉnh được. Để duy trì trật tự hoạt động taxi, Thanh tra giao thông cùng với lực lượng Cảnh sát trật tự tiến hành kiểm tra, xử phạt các quy định về dừng, đỗ xe...
Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, năm nào vào dịp Tết cũng xảy ra tình trạng "cháy" taxi. Năm nay, do thời tiết lạnh kéo dài nên nhu cầu đi lại bằng taxi tăng đột biến nên trong những ngày nghỉ, ngày rét đậm đôi khi cũng xảy ra tình trạng khan hiếm xe.
Xe buýt đông nghịt, xe khách nhồi nhét, taxi "cháy" là tình trạng dịp Tết Nguyên đán nào cũng gặp. Tình trạng này khiến cho việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn và đây cũng là nguyên nhân gia tăng các phương tiện cá nhân khiến cho hạ tầng giao thông không đáp ứng kịp.