Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Làm rõ các nguyên nhân của việc giải ngân chậm

Thanh Hải - Thuỷ Tiên - Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sáng 23/11, tại Hội nghị lần thứ 10, BCH Đảng bộ TP khóa XVII, thay mặt Ban Cán sự Đảng UBND TP, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã phát biểu giải trình thêm một số nội dung các đại biểu thảo luận, cho ý kiến về vấn đề đầu tư công.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị.

Vướng về giải phóng mặt bằng, về giá, danh mục đầu tư còn dàn trải

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết, qua tổng hợp thảo luận, nhiều ý kiến thống nhất đánh giá, đầu tư công vẫn là khâu yếu của các năm, trong đó đặc biệt là năm 2022 và đề nghị phân tích, đánh giá rõ nguyên nhân thực chất của việc giải ngân vốn đầu tư công chậm.

Trong đó, đánh giá về hiệu quả đầu tư, các ý kiến cho rằng cần đánh giá giám sát hiệu quả đầu tư từ trước khi dự án được phê duyệt. Về liên thông phối hợp đề xuất và triển khai đầu tư công giữa các địa bàn trong cùng lĩnh vực và giữa các lĩnh vực với nhau.

Nhiều ý kiến cho rằng cần tiếp tục rà soát quy hoạch ngành, lĩnh vực và quy hoạch tích hợp các ngành khi đề xuất dự án, trong đó đặc biệt là giao thông phải luôn đi trước; quy hoạch đất đai phải gắn chặt chẽ, khoa học với các quy hoạch khác.

Qua thảo luận của các đại biểu, tỷ lệ giải ngân cần được đánh giá kỹ về nguyên nhân, lý do vì hàng năm kết quả giải ngân đối với nguồn vốn ngân sách cấp huyện đều cao hơn so với vốn ngân sách TP. Cụ thể, đến 20/11/2022, cấp huyện giải ngân đạt 63,61%, trong khi các dự án TP giao quận huyện làm chủ đầu tư chỉ đạt 32,96%. Qua phân tích, các đại biểu đều thống nhất rằng các dự án dùng vốn ngân sách TP nêu trên mặc dù giao quận huyện làm chủ đầu tư, tuy nhiên toàn bộ thủ tục vẫn được xử lý ở các sở, ngành TP và đây là nguyên nhân chính của tình trạng trên.

Các ý kiến đều đánh giá danh mục đầu tư hiện nay đang dàn trải, không tập trung vào trọng tâm, trọng điểm, dễ làm khó bỏ và chưa quyết tâm, chưa dành công sức đúng tầm của người đứng đầu cho những dự án trọng tâm, trọng điểm.

Các đại biểu thảo luận và chỉ ra những nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan và thực chất của chậm muộn. Do công tác chuẩn bị đầu tư, điều chỉnh giá nhiều lần, tổng mức đầu tư không chính xác, hiệu quả đầu tư… Về giải phóng mặt bằng, xác định nguồn gốc đất; giá đền bù; quỹ nhà tái định cư; giá đấu giá và đền bù chênh lệch nhau lớn; vấn đề tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư… Về giá, do vấn đề lạm phát; công bố suất đầu tư; thông báo giá; tâm lý chờ…

Ngoài ra, do các dự án trọng điểm chậm trong đó có 4 nhóm chính (các dự án ODA; 39 công trình trọng điểm, Dự án đường Vành đai 4, đầu tư 3 lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục). Theo các đại biểu, đây là những nhóm rất quan trọng, tuy nhiên tiến độ đều chậm, ngoài những yếu tố mang tính khách quan là về GPMB, giá,... thì nguyên nhân chủ quan là do chưa dành đủ sự quan tâm của cả cơ quan quản lý nhà nước và người dân.

Các đại biểu tham dự hội nghị. 
Các đại biểu tham dự hội nghị. 

Phát biểu tiếp thu ý kiến các đại biểu và làm rõ thêm một số nội dung đại biểu quan tâm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, từ giờ đến cuối năm nay, từ UBND TP đến các sở, ngành, các quận, huyện phải tập trung vào công tác trực tiếp rà soát từng dự án để phân tích tiến độ, khối lượng hoàn thành, phiếu giá, thanh toán... Chủ tịch UBND TP cũng mong muốn các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy phụ trách các địa bàn quan tâm đến vấn đề này, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Liên quan đến triển khai giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, nguồn vốn thực hiện di chuyển mộ, lãnh đạo TP nhất quán sử dụng nguồn vốn từ dự án Vành đai 4. Đề nghị các sở ngành liên quan thống nhất trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn địa phương; nếu chưa có vốn thì tạm thời ứng vốn địa phương. Chủ tịch UBND TP cũng nhấn mạnh, việc này đang nóng, nếu vừa làm vừa cầm chừng sẽ không thể xong đúng tiến độ.

Đảm bảo quản lý công khai, khai thác hiệu quả tài sản công

Về Đề án quản lý tài sản công, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết, các ý kiến đều thống nhất và đánh giá cao và tầm quan trọng của Đề án, đồng thời đề nghị bổ sung một số nội dung và đề ra một số giải pháp.

Trong đó, việc quản lý quỹ nhà chuyên dùng còn thiếu các chính sách pháp luật để quản lý hiệu quả. Các ý kiến đều thống nhất yêu cầu bổ sung báo cáo với Chính phủ để tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách; đồng thời nghiên cứu mô hình quản lý hiệu quả và kịp thời xử lý các vi phạm.

Các đại biểu đề nghị số hoá toàn bộ, xây dựng cơ sở dữ liệu, xây dựng phần mềm để quản lý toàn bộ tài sản công gắn với phân loại để quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả.

Đồng thời đề nghị rà soát, nghiên cứu bổ sung một số hạng mục là các tài sản công khác như: Hợp tác xã; chợ; bến, bãi đỗ xe và kể cả tài sản công phi vật thể. Các ý kiến đều thống nhất với các nhóm tài sản công, tập trung phân tích, đánh giá kỹ về đất đai, quỹ nhà, để đảm bảo quản lý công khai minh bạch và khai thác hiệu quả.

Các đại biểu có ý kiến cần tiếp tục nghiên cứu đẩy mạnh phân cấp cho quận huyện trong việc quản lý tài sản công; nghiên cứu thí điểm phân cấp ủy quyền cho quận huyện phê duyệt đề án khai thác tài sản công. 

 

Trước đó, Ban Cán sự Đảng UBND TP đã trình Hội nghị lần thứ 10, BCH Đảng bộ TP xem xét, thông qua chủ trương Đề án “Quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030”. Một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu của Đề án là nhằm “số hóa” dữ liệu và siết chặt quản lý tài sản công của TP.

Dự thảo Đề án gồm 4 phần. Thứ nhất là sự cần thiết và căn cứ xây dựng. Thứ hai là thực trạng công tác quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công của thành phố. Thứ ba là quan điểm, mục tiêu, giải pháp và kiến nghị nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công của thành phố giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030. Thứ tư là tổ chức thực hiện.

Theo quy định, có 7 nhóm tài sản công thuộc sở hữu Nhà nước, nhưng Đề án xác định phạm vi tập trung vào 4 nhóm tài sản công, đó là: Nhà; đất đai; tài sản kết cấu hạ tầng; tài sản khác; trong đó, trọng tâm là phân tích, đánh giá đối với 2 nhóm chủ yếu là quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước của TP và đất đai.

Trong giai đoạn 2022-2025, mục tiêu cụ thể của Đề án là 100% tài sản công của thành phố hiện đã có phần mềm Cơ sở dữ liệu tập trung được cập nhật đầy đủ và chính xác theo quy định. Thực hiện Đề án, TP sẽ xử lý, khắc phục dứt điểm các vi phạm, tồn tại trong quản lý, sử dụng quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước của thành phố giao cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quản lý, khai thác trên cơ sở quy định của Trung ương và TP; chấm dứt tình trạng sử dụng tài sản công để cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết không đúng quy định. 100% tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án.

Căn cứ quy định của Chính phủ, các cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng của thành phố phải hoàn thành việc rà soát, phân loại 100% tài sản kết cấu hạ tầng hiện có để thực hiện việc quản lý, sử dụng theo quy định…

Về giải pháp, Đề án xác định 5 nhóm giải pháp chung, 4 nhóm giải pháp cụ thể tương ứng đối với 4 nhóm tài sản công.

Sau khi được BCH Đảng bộ TP thống nhất về chủ trương tại hội nghị lần này, UBND TP sẽ báo cáo HĐND TP tại Kỳ họp thứ 10, dự kiến diễn ra vào đầu tháng 12/2022, xem xét thông qua theo quy định để đưa vào thực hiện.