Hà Nội làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tri ân đến người có công (NCC) với cách mạng, TP Hà Nội đã thực hiện các phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”. Nhờ triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ, TP không còn hộ nghèo NCC.

Đại diện lãnh đạo quận Hà Đông trao tiền hỗ trợ xây nhà mới cho đối tượng người có công. 
Vận động Quỹ Đền ơn, đáp nghĩa đạt vượt kế hoạch
Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng các chế độ thăm, tặng quà đối với NCC với cách mạng trên địa bàn Hà Nội dịp Kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ vẫn được giữ nguyên như năm trước. Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Quốc Khánh cho biết: Kinh phí của TP dành riêng trao tặng cho NCC là trên 120 tỷ đồng. Ngoài quà của TP tặng cho NCC còn có quà của T.Ư, quận, huyện, xã, phường, tổ dân phố, các tổ chức và cá nhân tặng cho NCC. Các quận, huyện, thị xã đã chuyển quà của Chủ tịch nước và TP đến các đối tượng NCC 345.152 suất quà, với tổng số tiền 149,6 tỷ đồng.
TP đã vận động Quỹ Đền ơn, đáp nghĩa được trên 22.000 triệu đồng, vượt chỉ tiêu. Quận Hà Đông vận động được 1.364.852.000 đồng. “Từ nguồn Quỹ Đền ơn, đáp nghĩa, quận tặng 17 sổ tiết kiệm 170 triệu đồng cho 17 phường. Tổng kinh phí tổ chức các hoạt động dịp 27/7 trên địa bàn quận là 10.524.775.000 đồng từ ngân sách và xã hội hóa” - bà Đỗ Minh Loan - Trưởng phòng LĐTB&XH Hà Đông thông tin. “Dịp 27/7 năm nay, các xã, thị trấn vận động Quỹ Đền ơn, đáp nghĩa được 927.960.000 đồng, tặng 4.158 suất quà trị giá 462.550.000 đồng; 98 sổ tiết kiệm trị giá 500.000 đồng/sổ với tổng số tiền 49 triệu đồng; tu bổ sửa chữa nhà bia liệt sĩ tại xã Đông Hội. Các tổ chức, cá nhân tặng 220 suất quà, trị giá 220 triệu đồng...” - Trưởng phòng LĐTB&XH Đông Anh Nguyễn Đình Thanh cho biết. 
Phấn đấu không còn hộ cận nghèo người có công
Hiện nay, 139/139 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống trên địa bàn Hà Nội đã được các cơ quan, DN nhận phụng dưỡng. “Riêng trong năm 2020, TP bổ sung hơn 1.000 tỷ đồng qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho các đối tượng khó khăn, trong đó có NCC; tổ chức các phiên giao dịch việc làm chuyên đề, lưu động tại các quận huyện, thị xã để thông tin, giới thiệu việc làm cho các đối tượng, bao gồm NCC và thân nhân của họ để tiếp tục tham gia lao động.
Cùng với đó là cung cấp phương tiện sản xuất cho thân nhân NCC để có việc làm, bảo đảm đời sống gia đình” - ông Quốc Khánh cho hay. Năm nay, các địa phương trích ngân sách, xã hội hóa để tu sửa, nâng cấp trên 300 nhà ở cho NCC, kinh phí 11.815 triệu đồng. Trên địa bàn TP Hà Nội không còn hộ nghèo NCC, hộ cận nghèo NCC khoảng 30. Trong thời gian tới, TP sẽ có giải pháp hỗ trợ để các hộ có mức sống ổn định bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của Nhân dân nơi cư trú. Không để gia đình NCC tái nghèo theo tiêu chí mới”.