Hà Nội lên phương án điều tiết nước liên hồ chứa để chống ngập nội đô

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-“Nhiều năm qua, Hà Nội thường xuyên phải đối diện với nguy cơ ngập úng, đòi hỏi phải tiếp tục rà soát, làm tốt công tác quy hoạch. TP cũng đã thống nhất, sắp tới sẽ có quy định cụ thể về điều tiết nước liên hồ chứa điều hoà để phòng chống úng ngập nội đô…”

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Hà Nội đã nhấn mạnh nội dung trên khi phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, tổ chức sáng 19/5.

Vẫn còn tâm lý chủ quan

Tại Hội nghị, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, Phó Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Hà Nội cho biết, trong năm 2022, trên địa bàn Hà Nội đã chịu ảnh hưởng của 4 cơn bão, 13 đợt mưa, 22 đợt không khí lạnh, 9 đợt nắng nóng và các loại hình thiên tai khác. Bên cạnh đó, tình hình sự cố thảm họa cháy, nổ, sập đổ công trình, ô nhiễm môi trường, mất trật tự an toàn giao thông tiếp tục diễn biến phức tạp.

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời của Thành ủy, HĐND, UBND TP, sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của các sở, ban ngành và các địa phương, công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, ứng phó, khắc phục hậu quả đã được triển khai kịp thời, toàn diện, khẩn trương và hiệu quả; đảm bảo an toàn công trình đê điều, hồ, đập, không để xảy ra tình trạng khô hạn thiếu nước, ngập úng kéo dài, giúp giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, sự cố gây ra.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lâm Nguyễn.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lâm Nguyễn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế hiện nay trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Diễn biến thiên tai ngày một phức tạp, khó lường, trong khi công tác cảnh báo, dự báo có mặt còn hạn chế.

Việc hướng dẫn, thống nhất áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Hà Nội còn khó khăn do có nhiều nội dung mới, còn có sự chồng chéo, chưa thống nhất. Việc đầu tư mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ hoạt động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn còn vướng mắc về quy định.

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Xuân Đại, một số địa phương, đơn vị vẫn còn tư tưởng chủ quan, do đó việc xây dựng phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn có nơi chưa cụ thể, chưa sát thực tế. Việc hiệp đồng, huy động lực lượng, phương tiện thực hiện phương án, kế hoạch phòng, chống, ứng phó sự cố, thiên tai đôi khi còn lúng túng, thiếu nhịp nhàng…

Ứng phó chủ động theo “4 tại chỗ”

Theo dự báo năm 2023, dưới tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, các loại hình thiên tai như mưa, bão, hạn hán, ngập úng, sạt lở… sẽ tiếp tục diễn ra trái với quy luật. Nguy cơ cạn kiệt nguồn nước, thiếu nước cho sản xuất, sinh hoạt ngày càng cao. Cùng với đó, các sự cố cháy, nổ, sập đổ công trình, ô nhiễm môi trường, trật tự an toàn giao thông cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây thiệt hại.

Để chủ động ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do sự cố thiên tai gây ra, trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Hà Nội đề nghị các cấp, ban ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn Hà Nội tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chị thị số số 07/CT-UBND ngày 14/4/2023 của UBND TP Hà Nội về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền trao tặng Bằng khen cho các tập thể có thành tích trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền trao tặng Bằng khen cho các tập thể có thành tích trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022.

Trong trước mắt, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, khẩn trương hoàn thành việc tổng kết, đánh giá công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022, rút kinh nghiệm cho công tác chỉ đạo, điều hành và xây dựng kế hoạch hoạt động cho năm 2023. Kiện toàn bộ máy Ban Chỉ huy các cấp, các sở, ban, ngành và phân công nhiệm vụ từng thành viên xong trước ngày 31/5/2023.

Thường xuyên rà soát cập nhật, điều chỉnh bổ sung, hoàn thiện và chuẩn bị đầy đủ nguồn lực theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án đảm bảo cụ thể, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, đơn vị. Đặc biệt lưu tâm đến các kế hoạch, phương án ứng phó với các loại hình thiên tai, sự cố thường xuyên xảy ra như phương án hộ đê, phương án phòng cháy, chữa cháy điển hình như đợt mưa, lũ rừng ngang tại huyện Chương Mỹ, hay cháy rừng tại huyện Sóc Sơn…

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền giao Sở NN&PTNT, Sở Nội vụ, Sở Tài Chính sớm tham mưu hoàn thiện bộ máy tổ chức, quy chế hoạt động và thực hiện thu, quản lý, sử dụng Quỹ phòng, chống thiên tai thành phố Hà Nội hiệu quả, đúng quy định. Các cấp, các ngành chủ động nguồn lực thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị nhằm nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, phòng ngừa, ứng phó, khắc phục, đồng thời nâng cao chất lượng thông tin, dự báo, cảnh báo.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền cũng đề cập đến một số loại hình thiên tai sẽ có nguy cơ ảnh hưởng lớn nhất đến Hà Nội, trong đó có hạn hán, nắng nóng và đặc biệt là úng ngập nội đô. “Nhiều năm qua, Hà Nội thường xuyên phải đối diện với nguy cơ ngập úng, đòi hỏi phải tiếp tục rà soát, làm tốt công tác quy hoạch. TP cũng đã thống nhất, sắp tới sẽ có quy định cụ thể về điều tiết nước liên hồ chứa điều hoà để phòng chống úng ngập nội đô…” - Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền cho biết thêm. 

 

“Năm 2023, trên địa bàn Hà Nội có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp của 2 - 3 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới. Toàn mùa xuất hiện 3 - 5 đợt lũ; 7 - 9 đợt nắng nóng; 3 - 5 đợt rét đậm, rét hại. Hạn hán có thể xảy ra vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 và tháng 12…” - Trưởng phòng Dự báo (Đài Khí tượng thuỷ văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ) Đinh Hữu Dương