Hà Nội liên tiếp xảy ra cháy rừng, lãnh đạo Sở Nông nghiệp nói gì?

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ trong ít ngày qua, trên địa bàn huyện Sóc Sơn (Hà Nội) xảy ra liên tiếp 8 vụ cháy rừng, gây thiệt hại lớn về tài nguyên thiên nhiên. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương chia sẻ với phóng viên Kinh tế và Đô thị xung quanh vấn đề này.

Không loại trừ khả năng rừng bị đốt

Diện tích rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn hiện nay do đơn vị nào quản lý, thưa ông? 

Ông Nguyễn Mạnh Phương - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội
Ông Nguyễn Mạnh Phương - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội

Ông Nguyễn Mạnh Phương: Vừa qua, thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội về phân cấp quản lý rừng, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn tổ chức bàn giao hơn 1.000ha rừng về Ban Quản lý rừng phòng hộ đặc dụng Hà Nội (đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội) để quản lý. Đến nay, Ban này đang quản lý hơn 3.000ha rừng; còn lại khoảng 1.000ha vẫn do huyện Sóc Sơn quản lý. Sở NN&PTNT Hà Nội đang tiếp tục phối hợp cùng huyện để rà soát, tiến tới bàn giao phần diện tích còn lại về đơn vị thuộc Sở quản lý. 

Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn huyện Sóc Sơn liên tiếp xảy ra 8 vụ cháy rừng. Ông đánh giá như thế nào về tình trạng này?

Ông Nguyễn Mạnh Phương: Tình hình cháy rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn hiện rất phức tạp. Các vụ cháy diễn ra với tần suất liên tục, vào cả ban ngày lẫn ban đêm. 8 vụ cháy cũng xảy ra trên địa bàn nhiều xã, thị trấn của huyện Sóc Sơn. Thiệt hại về tài nguyên rừng theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm Hà Nội vào khoảng 26ha.

Thực tế cho thấy những diện tích rừng bị cháy trên địa bàn huyện Sóc Sơn thời gian qua chủ yếu thuộc phần diện tích mới được UBND huyện này bàn giao về Ban Quản lý rừng phòng hộ đặc dụng Hà Nội. Nguyên nhân những vụ cháy hiện vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra. Tuy nhiên, chúng tôi không loại trừ khả năng có những đối tượng xấu, cố tình gây ra những vụ cháy rừng liên tiếp thời gian qua tại huyện Sóc Sơn.

Trách nhiệm không chỉ thuộc về ngành nông nghiệp

Để xảy ra cháy rừng, cá nhân ông đánh giá trách nhiệm thuộc về cơ quan, đơn vị nào?

Ông Nguyễn Mạnh Phương: Hiện nay, những diện tích rừng tại huyện Sóc Sơn đang được chuyển giao về cho Ban Quản lý rừng phòng hộ đặc dụng Hà Nội quản lý. Tuy nhiên theo Điều 39 về Phòng cháy và chữa cháy rừng của Luật Lâm nghiệp, chủ rừng phải có trách nhiệm. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng có trách nhiệm trong quản lý các hoạt động trong rừng, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm có thể ảnh hưởng đến tài nguyên rừng…

Một vụ cháy rừng xảy ra ngày 6/1/2023 trên địa bàn huyện Sóc Sơn.
Một vụ cháy rừng xảy ra ngày 6/1/2023 trên địa bàn huyện Sóc Sơn.

Nói vậy không có nghĩa là Sở NN&PTNT Hà Nội không có trách nhiệm liên quan đến việc để xảy ra các vụ cháy rừng thời gian qua trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Đối với vấn đề này, hai đơn vị thuộc Sở là Ban Quản lý rừng phòng hộ đặc dụng và Chi cục Kiểm lâm cũng phải có trách nhiệm.

Làm gì để ngăn chặn tình trạng cháy rừng hiện nay trên địa bàn huyện Sóc Sơn nói riêng, Hà Nội chung thưa ông?

Ông Nguyễn Mạnh Phương: Về phía Sở NN&PTNT Hà Nội, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương rà soát các chủ rừng để thực hiện tốt hơn công tác giám sát hoạt động khai thác, bảo vệ rừng. Đồng thời, thực hiện các bước để tiếp nhận bàn giao diện tích rừng còn lại từ huyện Sóc Sơn để thống nhất một đầu mối quản lý.

Chúng tôi cũng đề nghị UBND huyện Sóc Sơn cần quán triệt, chỉ đạo quyết liệt chính quyền các xã, thị trấn có rừng thực hiện đầy đủ và có trách nhiệm chức năng, nhiệm vụ quy định tại Luật Lâm nghiệp. Cùng với đó, tiếp tục chỉ đạo lực lượng công an huyện lập chuyên án, điều tra, xác minh và xử lý nghiêm các đối tượng xâm phạm đến tài nguyên rừng để tạo sức răn đe.

        Xin cảm ơn ông! 

 

Theo báo cáo hiện trường rừng mới nhất của UBND TP Hà Nội, trên địa bàn TP hiện có khoảng 7.584ha rừng tự nhiên và hơn 11.208ha rừng trồng. Diện tích rừng của Hà Nội phân bố chủ yếu tại thị xã Sơn Tây và 6 huyện khác gồm: Ba Vì, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thạch Thất, Quốc Oai.