Hà Nội linh hoạt, chủ động trong phòng, chống dịch

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đã đi qua thêm một năm quyết liệt “chiến đấu” với dịch Covid-19. Hiện dịch vẫn còn diễn biến phức tạp, nhưng có thể thấy rằng, các chiến lược, giải pháp được đưa ra trong từng thời điểm và luôn có sự điều chỉnh để phù hợp với tình hình, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo đã mang lại kết quả.

Đánh giá đúng tình hình, đề ra giải pháp đúng và trúng
Với vị trí là đầu mối kinh tế, giao thông quan trọng, nên TP Hà Nội không tránh khỏi là địa phương chịu tác động của đại dịch. Trong làn sóng dịch bệnh nào, Hà Nội đều ghi nhận các ca dương tính, nhưng như đánh giá của các chuyên gia, TP luôn thể hiện vai trò gương mẫu, đi đầu; các cấp, các ngành của TP Hà Nội đã thể hiện được sự bình tĩnh, không nóng vội; chủ động kịch bản ở mức cao hơn thực tế, áp dụng giải pháp hành chính và chuyên môn y tế phù hợp ở từng thời điểm. Thông điệp về 5K, vaccine, thuốc, công nghệ cùng 4 sớm (phát hiện sớm, xét nghiệm sớm, cách ly sớm và điều trị sớm) và nhiều giải pháp phòng chống dịch khác đã thực thi hiệu quả trong cuộc sống.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Thanh Hải
Tính từ thời điểm cuối tháng 4/2021, khi đợt dịch thứ tư bùng phát đến nay, Hà Nội đã có trên 30.000 trường hợp mắc SARS-CoV-2, trong đó, phần lớn là trong giai đoạn thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP từ 11/10 đến nay. Tuy nhiên, khoảng 83,8% số bệnh nhân mắc Covid-19 tại Hà Nội trong thời điểm này có diễn biến nhẹ hoặc không triệu chứng.
Theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng (Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội), số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội trong những ngày qua tăng là điều bình thường, nằm trong dự báo khi TP chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Đặc biệt, đa số các trường hợp đều đã được tiêm vaccine nên khi nhiễm thì không có triệu chứng, hoặc diễn biến nhẹ.

Trở lại thời điểm khi đợt bùng phát dịch lần thứ tư, Hà Nội đã quyết liệt các giải pháp mạnh ngay từ đầu trên tư tưởng nhất quán, xuyên suốt “chống dịch như chống giặc”, bình tĩnh, sáng suốt, không chủ quan nhưng cũng không lo lắng thái quá. Lãnh đạo TP đã thường xuyên chỉ đạo sát với yêu cầu thực tiễn; đưa ra các giải pháp chiến thuật trước mắt, lâu dài; chủ động chỉ đạo tìm giải pháp sớm và cao hơn trên tinh thần hành động thần tốc, linh hoạt, sáng tạo để phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh. Đúng như chỉ đạo của Bí thư Thành ủy

Hà Nội Đinh Tiến Dũng ở thời điểm ấy: “Dịch càng phức tạp, chúng ta càng phải bình tĩnh thì mới tỉnh táo đánh giá chính xác tình hình. Có đánh giá chính xác tình hình mới đề ra giải pháp đúng, trúng. Có giải pháp đúng, trúng mới đẩy lùi được dịch”.

Giữa tháng 7/2021, khi một số tỉnh, TP trên cả nước liên tiếp ghi nhận số ca mắc lớn trong ngày và tăng chóng mặt với con số lên đến hàng nghìn, số ca tử vong bắt đầu tăng mạnh. Hà Nội đã ghi nhận hàng chục ca dương tính trong cộng đồng, nhiều ca không rõ nguồn lây, nguy cơ bùng phát dịch đã hiển hiện, số người trong độ tuổi tại TP được tiêm vaccine phòng Covid-19 lại mới đạt 26,5%. Đứng trước nguy cơ ấy, lãnh đạo TP Hà Nội đã quyết định áp dụng biện pháp giãn cách xã hội toàn TP. Đây là một quyết định ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt đời sống, nhất là kinh tế, nhưng như đánh giá của các chuyên gia và người dân, đây là giải pháp phù hợp ở thời điểm đó.

TP đã thực hiện hiệu quả 4 đợt với 60 ngày giãn cách xã hội và tận dụng được “thời gian vàng” này để khống chế, kiểm soát dịch bệnh, tách F0 ra khỏi cộng đồng, không để dịch bùng phát, tránh được nguy cơ khủng hoảng về y tế và kinh tế - xã hội. Đặc biệt, với chiến dịch thần tốc ngày đêm, chỉ sau hơn một tuần triển khai, Hà Nội đã hoàn thành việc tiêm phủ vacicne mũi 1 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên - công việc lúc đầu nhiều người tưởng như không thể đạt được. Hiện, gần trên 94% dân số trên 18 tuổi và trên 70,1% tổng dân số của TP đã tiêm mũi 1 vaccine phòng Covid-19; trên 83% dân số trên 18 tuổi tiêm mũi 2; TP cũng đã triển khai tiêm bao phủ vaccine mũi 1 cho 92,2% trẻ em từ 15 - 17 tuổi và 41,4% cho trẻ em từ 12 - 14 tuổi.

Như đánh giá của nhiều chuyên gia, chiến lược của TP ở từng thời điểm đều là tập trung vào việc xây dựng kịch bản, phương án phòng, chống dịch ở mức độ cao hơn thực tế dịch. Không chỉ ở cấp TP, mà ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị cũng theo hướng này. Tại thời điểm khi dịch bùng phát mạnh trong cộng đồng,

Hà Nội đã thành lập 55 sở chỉ huy công tác phòng, chống Covid-19, gồm: Sở chỉ huy cấp TP, 24 sở chỉ huy cấp sở, ban, ngành và 30 sở chỉ huy quận, huyện, thị xã. Hệ thống sở chỉ huy duy trì trực ban 24/24 giờ và giao ban trực tuyến hằng ngày để chỉ đạo, xử lý tình huống. Các đoàn công tác của Thành ủy, UBND TP Hà Nội cũng đã tăng cường đi kiểm tra thực địa đột xuất, đặc biệt những điểm nằm trong vùng nguy cơ cao.
Khi phát hiện sai phạm, đoàn công tác yêu cầu các địa phương nghiêm túc rút kinh nghiệm, triển khai phương án sửa sai ngay lập tức, ra những quyết định xử phạt các cá nhân để xảy ra sai phạm trên địa bàn. Các lực lượng xung kích - các y, bác sĩ, công an, quân đội đóng vai trò xung kích, đi đầu kết hợp tốt với các lực lượng tình nguyện tại địa phương, đã thực sự tạo thành những chiến tuyến trong phòng, chống dịch.

Theo đánh giá của Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Dân vận T.Ư Bùi Thị Minh Hoài, cái hay trong kinh nghiệm chống dịch của Hà Nội là không chỉ thống nhất trên dưới như một, mà còn là lãnh đạo, chỉ đạo luôn gắn với kiểm tra, giám sát. Các đồng chí lãnh đạo TP tới cơ sở, kiểm tra tận nơi, vào tận giường bệnh xem có oxy hay không. Đó là việc rất thiết thực, hành động nhỏ nhưng tác động rất mạnh tới hệ thống chính trị ở cơ sở.

Đặt người dân ở vị trí trung tâm

Có thể nói rằng, Hà Nội đã thực sự đặt người dân ở vị trí trung tâm trong cuộc phòng chống dịch, mỗi người dân thực là “một chiến sĩ” trên mặt trận này. Người dân Hà Nội không những chấp hành nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch, mà còn tích cực tham gia ủng hộ, quyên góp, cống hiến bằng sức người, sức của. Hà Nội đã thiết lập được hệ thống phòng, chống dịch thống nhất, đồng bộ theo các lớp, các vòng tương đối chặt chẽ, bố trí tới tận các thôn, xóm, ngõ, phố, chung cư... Các lực lượng xung kích - các y, bác sĩ, công an, quân đội đóng vai trò xung kích, đi đầu kết hợp tốt với các lực lượng tình nguyện tại địa phương, đã thực sự tạo thành những chiến tuyến trong phòng, chống dịch.

Toàn TP đã thành lập 4.573 tổ Covid cộng đồng với 29.540 nhóm Covid cộng đồng tham gia công tác phòng, chống dịch tại cơ sở. Các DN trên địa bàn TP cũng đã thành lập hơn 11.000 tổ an toàn Covid-19 với sự tham gia của gần 50.000 người... Những con số trước đó chắc chắn ít người mường tượng ra được.

Hà Nội thành công bước đầu trong phòng chống dịch còn bởi đã có giải pháp hợp lý trong đảm bảo an sinh xã hội. Ngay trong thời điểm giãn cách xã hội, nhưng Hà Nội không đóng cửa siêu thị, chợ dân sinh... Chính vì thế, việc cung cấp nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh không bị đứt gãy; tạo điều kiện cho một số ngành sản xuất tiếp tục được duy trì.

Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, TP đã kịp thời hỗ trợ 12 nhóm đối tượng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ; đồng thời ban hành thêm chính sách đặc thù hỗ trợ cho 12 nhóm đối tượng khó khăn khác. TP đã hỗ trợ cho trên 5,1 triệu lượt người dân, hộ kinh doanh với số tiền hỗ trợ là trên 6.000 tỷ đồng; trong đó, MTTQ các cấp của TP đã hỗ trợ trên 966 tỷ đồng. Những mô hình, phong trào có ý nghĩa như “Gian hàng 0 đồng”, “Chuyến xe 0 đồng”… đã giúp hàng nghìn người dân vượt qua khó khăn, duy trì cuộc sống, yên tâm phòng, chống dịch theo quy định của T.Ư và TP Hà Nội.

Những kết quả ấy là cơ sở để Hà Nội dần trở về trạng thái bình thường mới và tập trung chuyển trạng thái từ “không Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh như Chính phủ chỉ đạo để phục hồi phát triển kinh tế.

"Hà Nội đã và đang đi đúng hướng trong phòng, chống dịch Covid-19. Trong từng thời điểm, biện pháp chống dịch vừa quyết liệt, vừa sáng tạo, chủ động. Mọi kịch bản, phương án phòng, chống dịch đều được lãnh đạo TP tính toán, xây dựng với các tình huống dịch diễn biến xấu hơn, phức tạp hơn để từ đó chủ động trong dự phòng, ứng phó, kể cả khi số ca nhiễm tăng cao." - Đại biểu Quốc hội (Đoàn Hà Nội) - GS.AHLĐ Nguyễn Anh Trí


"TP đang thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, đã có giải pháp cụ thể như các quận, huyện đánh giá cấp độ dịch hàng tuần, có biện pháp hành chính tương ứng cho hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn. Ngành y tế tiếp tục truy vết, khoanh vùng dập dịch, xét nghiệm, cách ly hẹp nhất có thể. Tuyến y tế cơ sở tập trung chăm sóc người dân, giải tỏa cho tuyến trên." - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần