Trở lại Hà Nội sau hơn 30, việc đầu tiên Michel Blanchard thực hiện là nhịp bước trên những con phố đã từng gắn bó trong hành trình làm báo 10 năm ở Việt Nam như: Tràng Tiền, Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, Phùng Khắc Khoan… Ông không tưởng được rằng, phương tiện chính của người dân Hà Nội những năm 80 của thế kỷ trước là xe đạp, lác đác vài ba chiếc xe máy cũ của Nhật được nhập về, đến nay trên những con phố ấy có thể tắc đường vì ô tô, xe máy rầm rập. “Tôi đến phố Phùng Khắc Khoan, suýt nữa không nhận ra căn nhà mình đã ở và làm việc trước đây. Hồi đó, chưa có mấy căn nhà mặt phố được người dân tận dụng kinh doanh. Bây giờ, từ đầu đến cuối dãy phố đã là nơi buôn bán vải sầm uất. Cả Hà Nội khi ấy chỉ có 3 cửa hàng mở bán cho người nước ngoài. Còn bây giờ, bước chân đến nơi nào cũng có thể tìm được món đồ mình yêu thích” - Michel Blanchard chia sẻ.
Hà Nội của thời kỳ bao cấp nghèo so với bây giờ. “Những bạn trẻ của thế hệ 9x trở ra chắc không thể tưởng tượng được cuộc sống thiếu thốn của người dân Thủ đô thời kỳ đó” – cựu phóng viên người Pháp cho biết. Trên con phố dài gần Công viên Lê Nin, chỉ 1 ánh đèn leo lắt, nhưng có tới 10 em nhỏ đón ánh sáng học bài. Đường phố Hà Nội không bừng sáng nhiều màu sắc, đèn trang trí như bây giờ. Nhìn lại Hà Nội của thời kỳ khó khăn, Blanchard luôn ngưỡng mộ người dân Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng, những người không chỉ biết vượt qua bộn bề khó khăn, thiếu thốn mà còn luôn giữ được vẻ lạc quan yêu đời trong cuộc sống.
Trong những năm sống và làm việc tại Hà Nội, Michel Blanchard ghi lại tất cả những khoảnh khắc từ con người đến cảnh vật vào ống kính. Ông không tự nhận mình là một nghệ sĩ, báo ảnh chỉ là thú tiêu khiển nhưng trong những tác phẩm của mình, ông đã cho thấy một cái nhìn đặc biệt về Hà Nội, đó là nụ cười, là ánh mắt, là những ngôi nhà cổ xưa. Ông nói: “Nhà của Hà Nội rất đẹp, chỉ cần bấm máy là có ngay những bức ảnh ấn tượng. Mặc dù không có nhiều thời gian để chụp ảnh nhưng hình ảnh Hà Nội luôn hiện diện trong trái tim tôi”.
Đón chào Michel Blanchard ở thế kỷ 21 này vẫn là những ánh mắt, nụ cười, sự thân thiện. Đi qua bất kỳ con phố nào, ông cũng nhận được cái nhìn trìu mến, tâm trạng hồ hởi, nét mặt vui tươi khi được đề nghị chụp ảnh chung. “Hà Nội “thay da đổi thịt” về tốc độ phát triển kinh tế. Nhưng người dân nơi đây vẫn thân thiện như xưa” – Michel nhận xét. Đến Hà Nội ngày nay, du khách vẫn có thể cảm nhận được nét trầm mặc của một TP nghìn năm tuổi, bên trong những con phố cổ tưởng ồn ào hối hả nhưng thực chất vẫn chất chứa những bình lặng vốn có của người Hà Nội. Số lượng du khách quốc tế đến với Hà Nội tăng lên hàng năm. Chính nét quyến rũ riêng biệt ở Thủ đô của Việt Nam khiến Michel thừa nhận nơi đây là nguồn đề tài vô tận cho những cuốn sách giới thiệu về du lịch mà ông đang thực hiện.
Blanchard tại triển lãm “Việt Nam những năm 80” tại Hà Nội.
|