Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội luôn xác định phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 29/9, Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy đã tổ chức Hội thảo liên kết 4 nhà về xử lý nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, chất thải làng nghề, rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn trên địa bàn Hà Nội. Dự và chỉ đạo hội thảo có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng thăm gian hàng trưng bày công nghệ xử lý môi trường bên lề hội thảo.
2 tác nhân gây ô nhiễm nghiêm trọng
Thống kê cho thấy, toàn TP Hà Nội hiện có 309 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc 23 quận, huyện và thị xã. Kết quả điều tra, khảo sát, lấy mẫu và phân tích nguồn nước tại 292 làng nghề từ năm 2017 - 2020, có 139 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 95 làng nghề ô nhiễm. Tỷ lệ nước thải làng nghề được thu gom xử lý chỉ chiếm khoảng 5,2%.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, nước thải của một số ít làng nghề được chuyển đến cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải. Trong khi phần lớn nước thải tại các làng nghề đều xả thải thẳng ra môi trường, với mức độ ô nhiễm ở mức rất cao. 
Bên cạnh nguồn thải từ các làng nghề, nước thải chăn nuôi, chủ yếu là chăn nuôi lợn cũng rất đáng lo ngại. Theo tính toán, chăn nuôi lợn thải bình quân ra môi trường khoảng 24 lít/con/ngày. Như vậy đối với Hà Nội, cả năm có trên 422 triệu lít nước thải chăn nuôi lợn thải ra môi trường.
Việc phân loại rác thải rắn nói chung và ở các làng nghề không được phân loại để tái sử dụng, mà được vận chuyển về Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) hoặc Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) để xử lý. Do giá thu gom rác thải công nghiệp nguy hại khá cao (từ 2.000 đến 4.000 đồng/kg), nên vẫn còn hiện tượng đổ trộm hoặc tự ý đốt bỏ rác thải ở một số nơi, gây ô nhiễm môi trường và mất cảnh quan nông thôn.
Cũng theo thống kê, tổng lượng chất thải rắn thải ra từ chăn nuôi gia súc khoảng trên 2,5 triệu tấn/năm, lượng chất thải rắn thải ra từ chăn nuôi gia cầm khoảng trên 600.000 tấn/năm.Nước thải, chất thải rắn từ các làng nghề, chăn nuôi gia súc, gia cầm làm suy giảm chất lượng môi trường nông thôn, ảnh hưởng ngày một lớn đến sức khỏe người dân.
Đồng bộ các giải pháp
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, đây là lần thứ 3 trong nhiệm kỳ 2016 - 2020, Ban chỉ đạo Chương trình số 02 tổ chức hội thảo liên kết 4 nhà. Nội dung của hội thảo cũng là vấn đề Thành ủy phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhằm xây dựng khung chương trình cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong giai đoạn tiếp theo. 
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, Hà Nội luôn xác định phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường.Chính vì vậy, trong 10 năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, TP đã tập trung, lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều chương trình, đề án, dự án, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo để thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. 
Với sự vào cuộc của các tầng lớp Nhân dân, đến nay, bộ mặt nông thôn thay đổi toàn diện. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng cao. Công tác bảo vệ môi trường được toàn xã hội quan tâm, thực hiện. Nhiều địa phương đã trở thành điểm sáng, với những cách làm sáng tạo trong cải tạo cảnh quan môi trường nông thôn, điển hình như các huyện: Đan Phượng, Thanh Trì…
 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu chỉ đạo tại hội thảo.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ môi trường nông thôn, đặc biệt là nước thải và rác thải rắn đang là vấn đề tồn tại rất lớn, cần tập trung giải quyết trong thời gian tới. Quản lý nguồn nước nhất là tại các làng nghề còn hạn chế. Việc đầu tư các trạm xử lý nước thải còn chậm. Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu ở một vài địa phương còn chưa thực sự quyết liệt, ý thức trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế. Phương thức thu gom chất thải chưa đảm bảo. Công tác tuyên truyền vận động người dân chưa thực sự hiệu quả. Hiệu năng của các nhà máy xử lý nước thải còn thấp…
Để khắc phục những tồn tại hạn chế về nước thải và chất thải rắn ở khu vực nông thôn, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng, cần triển khai đồng bộ các giải pháp. Theo đó, đề nghị các sở ngành, địa phương xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm; nêu cao hơn nữa vai trò lãnh chỉ đạo của chính quyền các cấp. Làm tốt hơn nữa tuyên truyền, vận động. Tiếp tục rà soát, nghiên cứu tham mưu TP ban hành chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường trong xử lý môi trường khu vực nông thôn.
Đổi mới tư duy, phát huy nguồn lực trong xã hội cho công tác bảo vệ môi trường. Xây dựng các khu, cụm dân cư nông thôn sinh thái (sáng - xanh - sạch - đẹp - văn minh). Tăng tỷ lệ cây xanh trên một đơn vị diện tích khu dân cư nông thôn. Tăng mật độ và đa dạng hóa các mô hình trồng cây xanh ven đường, tăng cường trồng hoa tại các khu vực công cộng, đặc biệt là các khoảng đất trống có nguy cơ hình thành các điểm tập kết rác thải.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu xử lý nước thải làng nghề tập trung. Kiểm tra, rà soát, nâng cấp các hệ thống xử lý cũ không đáp ứng yêu cầu thay thế bằng hệ thống xử lý công nghệ mới thân thiện với môi trường. Lắp đặt hệ thống quan trắc theo dõi về chất lượng môi trường tại các cụmcông nghiệp.
Tập trung đánh giá tác động môi trường của các làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng để từ đó đưa ra giải pháp cụ thể nhằm giảm thiểu ô nhiễm bằng công nghệ mới. Nghiên cứu, quy hoạch, mở rộng cụm công nghiệp làng nghề để đưa các hộ sản xuất ra khỏi khu dân cư. Đưa công nghệ mới xử lý chất thải rắn và nước thải của các làng nghề nhằm giảm thiểu ô nhiễm từ đầu nguồn sản xuất.
Đối với rác thải sinh hoạt, cần thiết phải phân loại tại nguồn. Ứng dụng kỹ thuật vào xử lý, tái sử dụng rác thải nông thôn. Đối với nước thải sinh hoạt, có hỗ trợ thiết bị, tiến bộ kỹ thuật mới để xử lý nước thải vệ sinh, nước thải sinh hoạt trước khi xả thải ra môi trường. Rà soát, quy hoạch các điểm thu gom và xử lý tập trung theo quy mô xã, liên xã để xử lý đảm bảo nước thải đạt quy chuẩn trước khi xả thải ra môi trường. 
Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu các sở, ngành TP căn cứ chức năng nhiệm vụ để cụ thể hoá đề án bảo vệ môi trường nông thôn. Trong đó, uu tiên các đề tài mang tính ứng dụng cao, thiết thực cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và bảo vệ môi trường. UBND các quận, huyện, thị xã và các xã tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao vai trò của người đứng đầu trong hệ thống chính trị tại cơ sở, sự vào cuộc và nhận thức người dân trong thực hiện các giải pháp về bảo vệ môi trường tại khu dân cư và trong đời sống hàng ngày. Thực hiện đồng bộ các giải pháp về cải thiện và khôi phục chất lượng môi trường, đẩy mạnh trồng cây xanh, trồng hoa dọc các tuyến đường giao thông để tạo cảnh quan Xanh - sạch - đẹp - văn minh.