Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: "Mặc áo mới" cho du lịch MICE

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Được đánh giá là sản phẩm tạo nguồn thu lớn, Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp phát triển du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, sự kiện…).

Tuy nhiên, để loại hình du lịch này thực sự phát huy tiềm năng thì câu chuyện định vị sản phẩm, thu hút khách cao cấp cần được quan tâm hơn nữa.

Chi tiêu của khách du lịch MICE cao gấp 3-4 lần so với khách thông thường

Du lịch MICE là loại hình có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn các loại hình du lịch thông thường. Theo ước tính của các doanh nghiệp lữ hành, chi tiêu của khách du lịch MICE có thể cao gấp 3-4 lần so với khách mua tour thông thường. Đây là nguyên nhân khiến nhiều nước như Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan đã có kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng, vật chất để phát triển du lịch MICE… 

Khách du lịch quốc tế thăm quan làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây). Ảnh: Hoài Nam
Khách du lịch quốc tế thăm quan làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây). Ảnh: Hoài Nam

Tại Diễn đàn du lịch MICE TP Hà Nội do Sở Du lịch vừa tổ chức, các chuyên gia có chung đánh giá, Hà Nội là mảnh đất ngàn năm văn hiến với nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể nên có nhiều tiềm năng, phát triển nhiều loại hình du lịch văn hóa, làng nghề, sinh thái nghỉ dưỡng, cộng đồng, trải nghiệm … Việc sở hữu nhiều dòng sản phẩm là điều kiện lý tưởng để Hà Nội phát triển du lịch MICE, thu hút khách đến tổ chức sự kiện và trải nghiệm.

Giám đốc Điều hành khách sạn Hà Nội Daewoo Erwin R. Popov nhận định, Hà Nội có nhiều giá trị văn hóa để phát triển du lịch MICE. Trong cơ cấu kinh doanh của khách sạn, du lịch MICE luôn được coi trọng, đóng góp 50% doanh thu của khách sạn. Loại hình này không có mùa vụ như du lịch thông thường, có thể khai thác ở cả mùa thấp điểm.

Thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội, hiện trên địa bàn TP có 3.425 cơ sở lưu trú du lịch với 64.800 phòng, trong đó có 598 khách sạn, căn hộ đã được xếp hạng 1 - 5 sao, chiếm 17% tổng số cơ sở lưu trú du lịch. Ngoài ra, Hà Nội cũng có 31 cơ sở mua sắm, 23 nhà hàng, 8 khu vui chơi giải trí, 1 khu thể thao. Việc sở hữu nhiều cơ sở lưu trú cao cấp và các dịch vụ chất lượng là điều kiện để Hà Nội có thể đón những đoàn khách lớn đến tổ chức MICE.

Thực tế, Hà Nội từng tổ chức, đón nhiều đoàn khách quốc tế với số lượng lớn đến lưu trú dài ngày. Nhiều hội nghị, sự kiện quốc tế lớn đã diễn ra tại Hà Nội như: Hội nghị Cấp cao APEC, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên, Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31)... Việc liên tục là địa phương được lựa chọn làm địa điểm tổ chức các sự kiện hội nghị quốc tế quy mô lớn, cho thấy Hà Nội có thể phát triển dòng sản phẩm du lịch MICE, trở thành thế mạnh của du lịch Thủ đô.

Định vị du lịch MICE Hà Nội

Mặc dù được nhận định nhiều tiềm năng, nhưng các nhà quản lý, chuyên gia du lịch cũng cho rằng, muốn phát triển loại hình du lịch này đòi hỏi Hà Nội cần định vị du lịch lịch MICE là sản phẩm chủ lực của TP.

Khách du lịch thăm quan làng cổ Bát Tràng (Gia Lâm). Ảnh: Hoài Nam
Khách du lịch thăm quan làng cổ Bát Tràng (Gia Lâm). Ảnh: Hoài Nam

Phó Chủ tịch Liên Chi hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng cho rằng, Hà Nội đang thiếu những nơi tổ chức sự kiện có quy mô lớn, đồng bộ về dịch vụ. “Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội dù diễn ra hằng năm, nhưng hầu như chỉ tổ chức tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt – Xô do khó chọn địa điểm. Dù Việt Nam đã thành công trong tổ chức nhiều sự kiện quốc tế lớn, như APEC, ASEM, SEA Games… nhưng dấu ấn du lịch MICE của Việt Nam vẫn chưa thực sự phát huy vai trò"- ông Phùng Quang Thắng bày tỏ.

Cùng quan điểm, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho rằng, ngay cả các không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, phố Trịnh Công Sơn và Thành cổ Sơn Tây là những nơi có thể tổ chức được các sự kiện lớn nhưng thời gian qua chưa khai thác được lợi thế này tương xứng tiềm năng.

Để thúc đẩy du lịch MICE trong thời gian tới, các cơ quan quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp du lịch đề xuất, Hà Nội cần có chính sách thúc đẩy MICE. Theo đó TP cần có quy hoạch tổng thể, đầu tư xứng tầm cho loại hình này, gắn du lịch MICE với giá trị văn hóa Thủ đô từ đó tạo nên sản phẩm đặc thù.

Khách du lịch quốc tế thăm quan làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây). Ảnh: Hoài Nam
Khách du lịch quốc tế thăm quan làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây). Ảnh: Hoài Nam

Chủ tịch Câu lạc bộ du lịch MICE Việt Nam Nguyễn Anh Đức hiến kế, những người làm du lịch MICE nên tìm giải pháp gia tăng giá trị cho loại hình này, thay vì chỉ tổ chức hội thảo, hội nghị. Chẳng hạn như sau các buổi hội họp, sự kiện, đơn vị tổ chức có thể thiết kế cho khách trải nghiệm sản phẩm văn hóa, khám phá ẩm thực của Thủ đô… “Việc khai thác điểm đến lồng ghép giá trị văn hóa lịch sử vào sản phẩm du lịch MICE sẽ tạo đặc trưng cho sản phẩm du lịch MICE của Hà Nội”- ông Đức nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, cần tạo ra những đặc trưng cho sản phẩm du lịch MICE nhằm thu hút khách đến Hà Nội. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy (Đại học Quốc gia Hà Nội) , Hà Nội là nơi sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú nhất là văn hóa, do vậy, việc gắn kết các giá trị văn hóa với du lịch MICE là điều cần thiết. Bên cạnh đó, Hà Nội cần phát triển mạnh các sản phẩm du lịch đêm để đưa vào loại hình du lịch MICE.

Ngoài việc nên chú trọng kết hợp du lịch MICE gắn với các giá trị văn hóa của Hà Nội, nhiều doanh nghiệp du lịch cũng đề xuất Hà Nội quan tâm hơn đến việc giới thiệu tinh hoa ẩm thực Hà Nội trong các bữa ăn của khách hoặc có thể kết hợp cho du khách trải nghiệm các dòng sản phẩm du lịch trên sông Hồng, , tàu hỏa qua cầu Long Biên, các buổi biểu diễn thực cảnh… Đặc biệt, Hà Nội cũng cần nghiên cứu nhu cầu của từng thị trường khách hàng từ đó xây dựng sản phẩm du lịch MICE phù hợp.

Hà Nội đặt mục tiêu  đến năm 2025 sẽ đón 30 triệu lượt khách du lịch (trong đó có trên 7 triệu lượt khách quốc tế). Việc định vị lại du lịch MICE, tìm giải pháp phát triển sản phẩm này để thu hút dòng khách cao cấp là một trong những hướng đi của du lịch Hà Nội để thu hút khách trong thời gian tới.