Hà Nội mới có gì để nhớ?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cơn cớ gì hễ nhắc đến Hà Nội đẹp là ai cũng chỉ chăm chăm tìm góc nhỏ phố nhỏ, và nhất định là nằm trong phố cổ. Cứ đến ngày lễ, sẽ gặp la liệt các ảnh Hà Nội kiểu càng vắng càng đẹp, với chú thích “như ngày xưa”.

Các nhà xuất bản thì nhộn nhịp “khai quật”, tái bản các đầu sách về Hà Nội từ những năm đầu thế kỷ trước, trong đó có “Hà Nội cũ” của Doãn Kế Thiện. Vậy, Hà Nội mới thì có gì để nhớ?

Chưa bao giờ, phong trào hoài cổ mạnh mẽ như bây giờ. Một loạt các cửa hàng cafe được trang trí theo phong cách thời bao cấp mở ra và làm ăn phát đạt, các quán ăn mậu dịch bán các món thuở hàn vi bằng giá thời kinh tế thị trường vẫn hút khách. Khách ra vào hỉ hả vì được bồi hồi sống lại ký ức xưa như thời kỳ tươi đẹp nhất, cứ như Hà Nội không có bao cấp thì không còn là Hà Nội. 
Hà Nội mới có gì để nhớ? - Ảnh 1
Không cần phải thực hiện một cuộc khảo sát, cứ 10 người được hỏi Hà Nội là gì thì 9 người sẽ trả lời, Hà Nội là yên bình, tĩnh lặng của ngõ nhỏ, phố nhỏ; Hà Nội là gánh hàng hoa, là tiếng rao lảnh lót của cô hàng rong trong đêm vắng. Nếu may mắn, có thể người còn lại trong số 10 người đó sẽ trả lời, Hà Nội là các công trình xây dựng cao chọc trời, các đô thị cao cấp hoặc các con đường mới mở hướng ra phía Tây. 

Nhưng phải thú thật rằng, khả năng ấy là rất ít. Bây giờ Hà Nội có vẻ nhận được ít thiện cảm hơn và thường bị than phiền: tắc đường, bụi bặm, đông đúc... Có người còn cực đoan khoanh vùng Hà Nội vỏn vẹn trong dăm ba khu phố cổ, mặc dù Hà Nội ngày nay theo quy hoạch đã hơn 3,3 nghìn cây số vuông.

Thực ra, Hà Nội thay đổi từng ngày và hầu như không có lúc nào ngừng chuyển động, nên chuyện mong muốn một Hà Nội như cũ là không thể. Chính tác giả của cuốn Hà Nội cũ, cách đây hơn 70 năm, trong lời mở đầu đã viết: “Thật thế, Hà Nội ngày nay khác hẳn Hà Nội ngày xưa... Nếu một cụ nào xa vắng chừng vài mươi năm, nay trở lại nhìn, tất không khỏi lạ lùng, bỡ ngỡ”. 

Hà Nội đã qua bao lần chuyển mình, từ những ngôi nhà hình ống có giếng trời giữa nhà thời Pháp thuộc đến những ngôi nhà tập thể đặc trưng thời kỳ xây dựng xã hội mới, hay bây giờ là phong cách “hoàng gia”, châu Âu giữa lòng Hà Nội mà nhiều nhà thầu đang hứa hẹn xây dựng. Dù là hình thức nào, Hà Nội chưa bao giờ ngừng vận động. Vì thế, những nỗi nhớ hoài cổ gần như chỉ có ý nghĩa tương đối. Ta ngồi ở hôm nay, nhớ chuyện đã qua, không hề tưởng nhớ hôm nay, để một ngày, nó cũng lại trở thành quá khứ để ta lục lọi.
Hà Nội mới có gì để nhớ? - Ảnh 2
Tuy vậy, cũng phải thừa nhận rằng, chúng ta có sự đứt gãy trong việc lưu trữ các tài liệu, hình ảnh về kiến trúc cũng như lịch sử Hà Nội, nên câu hỏi về Hà Nội cổ, Hà Nội “gốc” vẫn mãi mù mờ không có lời đáp, thường chỉ loanh quanh các tranh cãi, ăn phở bò nên dùng dấm hay dùng chanh, hoặc ăn chả cá đúng kiểu thì có ăn kèm lòng không?

Kết lại, nếu bạn cảm thấy Hà Nội mới vẫn không có gì đáng yêu, bạn có thể tham khảo ý kiến của kiến trúc sư Phó Đức Tùng, người đã sống ở Berlin 15 năm và giờ quyết định trở về sống ở Hà Nội. Với anh, Hà Nội là thành phố  luôn thay đổi và chuyển động, tức là một thành phố “sống”. Mà sống đã là một vẻ đẹp rồi. Biết đâu đấy, vài chục năm nữa, khi Hà Nội tiếp tục thay đổi, trở nên nghiêm ngắn hơn, người ta sẽ lại nhớ các tòa nhà cao thấp không bằng nhau của Hà Nội hiện tại, và cảm thấy nó đẹp một cách “cá tính” như những mảng khối trong các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt của các nghệ sĩ đương đại.