Hà Nội mong muốn các tỉnh, TP chung tay bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 25/7, Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức hội nghị Đánh giá kết quả chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt, nông sản an toàn và công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm nông lâm thuỷ sản TP Hà Nội 6 tháng đầu năm 2019.

Thực hiện Quyết định số 1791/QĐ-BNN-QLCL ngày 19/5/2015 của Bộ NN&PTNT ban hành chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau thịt an toàn cho TP Hà Nội, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tham mưu UBND TP ban hành  các kế hoạch, văn bản chỉ đạo nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, xúc tiến thương mại. 
Từ đầu năm 2019 đến nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với Sở NN&PTNT 21 tỉnh, TP thuộc ban điều phối Chương trình rà soát, quy hoạch phát triển nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Trọng tâm là các vùng chuyên canh rau củ quả tập trung, quy hoạch vùng chăn nuôi, giết mổ xa khu dân cư… nhằm mục đích thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bảo đảm an toàn thực phẩm và phát triển bền vững. 
 Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu thăm gian hàng nông sản bên lề hội nghị
Kết quả 6 tháng đầu năm 2019, Sở NN&PTNT Hà Nội và 21 tỉnh, TP trong ban điều phối chuỗi cung cấp rau thịt an toàn cho TP Hà Nội tích cực trong công tác kết nối sản xuất, quản lý chất lượng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thuỷ sản. Xây dựng và phát triển được 727 chuỗi (tăng 184 chuỗi, đạt tỷ lệ 34% so với năm 2018). Riêng Hà Nội duy trì và phát triển 135 chuỗi liên kết từ sản xuất đên tiêu thụ sản phẩm. TP Hà Nội cũng đã xây dựng được 40 nhãn hiệu được bảo hộ như: Gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, vịt cỏ Vân Đình, nhãn Đại Thành… Đồng thời, cấp 8 giấy chứng nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho 8 cơ sở của 15 chuỗi rau thịt với 18 điểm kinh doanh. 
Thông qua các giải pháp xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ nông lâm thuỷ sả, các tỉnh, TP thuộc ban điều phối đã cung ứng cho người tiêu dùng Thủ đô hàng vạn tấn nông sản, thực phẩm an toàn. Đơn cử như, tỉnh Hoà Bình (20.000 tấn quả có múi, 250 tấn thịt lợn, 1.500 tấn cá sông Đà, 200 tấn rau hữu cơ); tỉnh lào Cai (4.000 tấn rau, 50 tấn thịt, 200 tấn thuỷ sản); tỉnh Vĩnh Phúc (40.000 tấn rau củ quả, 150 triệu quả trứng gà, 1.700 tấn gà thịt, 10.000 tấn lợn thịt, 2.000 tấn thuỷ sản, 50 tấn nấm đùi gà…)…. Nông sản thực phẩm của các tỉnh, TP được tiêu thụ tại các siêu thị của Hà Nội như Vinmart, Metro, Aeon, Biggreen…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho rằng, dù Hà Nội có thị trường rộng lớn, nhưng duy trì được các chuỗi cung ứng, bảo đảm sản lượng lương thực, thực phẩm tiêu thụ cho người tiêu dùng Thủ đô thời gian qua nhờ là sự tích cực của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã. Lãnh đạo TP cho biết, không chỉ 21 tỉnh, TP khu vực phía Bắc, Hà Nội đang nỗ lực mở rộng thị trường ra các tỉnh miền Trung, miền Nam. 
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu cũng cho rằng, kết quả thực hiện thời gian qua là rất tích cực, nhưng cần quyết liệt hơn, cụ thể hoá thành hành động. “Hôm nay các tổ chức, đơn vị đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển các chuỗi cung ứng nông sản an toàn cho Thủ đô, nhưng vấn đề là phối hợp triển khai ra sao…” – Phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Văn Sửu nói. 
 Đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội ký biên bản hợp tác với các tỉnh, TP, tổ chức, doanh nghiệp 
Vấn đề chất lượng nông sản cũng được Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, nhất là trong bối cảnh kinh tế thị trường hội nhập hiện nay. Thực tế, Hà Nội đã thực hiện, nhưng cần tổ chức tốt hơn nữa để đưa nông sản Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung từng bước tiến ra thế giới.
Nhấn mạnh trong thời gian tới, tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi sẽ còn diễn biến phức tạp, do đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu mong muốn các tỉnh, TP chung tay cùng Hà Nội quan tâm, thúc đẩy việc cung ứng hàng hoá, phục vụ nhu cầu dịp Tết nguyên đán cho Thủ đô. Trong đó, chú trọng tìm kiếm các mặt hàng thay thế thịt lợn, đa dạng mặt hàng…  
Tại hội nghị, TP Hà Nội đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác trong phát triển chuỗi cung ứng rau, thịt, nông sản an toàn với 21 tỉnh, TP cùng một số tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.