Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: một trường quy định giáo viên chủ nhiệm đến thăm nhà từng học sinh

Minh Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giáo viên chủ nhiệm đến từng nhà học sinh dịp đầu năm học để nắm bắt hoàn cảnh gia đình, duy trì kết nối và phối hợp chặt chẽ trong công tác giáo dục. Cách làm sáng tạo này được thực hiện duy nhất tại Trường THPT Hà Đông.

Quy định “mới, lạ, khó”

Năm học 2024 - 2025, Trường THPT Hà Đông thực hiện chiến lược đổi mới toàn diện từ cơ sở vật chất, cách thức tuyển sinh, đội ngũ giáo viên, chương trình đào tạo đến phương thức quản trị điều hành. 

  Trường THPT Hà Đông có cơ sở vật chất khang trang, đồng bộ.
  Trường THPT Hà Đông có cơ sở vật chất khang trang, đồng bộ.

Ngay đầu năm học, một quy định “mới, lạ, khó” được Hội đồng quản trị, Ban giám hiệu đưa ra và quyết tâm thực hiện, đó là: 100% giáo viên chủ nhiệm lớp sẽ đến từng nhà học sinh để gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với phụ huynh. 

Mục đích của việc này để thầy cô hiểu điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của học sinh; gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với phụ huynh; duy trì mối quan hệ thân tình, kết nối giữa gia đình – nhà trường và cùng hướng tới sự tiến bộ, phát triển toàn diện của học sinh.

  Mối quan hệ giữa gia đình – nhà trường luôn được Trường THPT Hà Đông coi trọng, đề cao.
  Mối quan hệ giữa gia đình – nhà trường luôn được Trường THPT Hà Đông coi trọng, đề cao.

Khi quy định trên được đưa ra Hội đồng sư phạm nhà trường đã gặp không ít rào cản, trước hết là về phía giáo viên. Hầu hết thầy cô cho biết, đã công tác trong ngành giáo dục nhiều năm, trong đó có việc đảm trách vai trò giáo viên chủ nhiệm nhưng chưa bao giờ đến từng nhà học sinh.

Cùng với đó, nhiều phụ huynh sau khi biết giáo viên ngỏ ý đến thăm nhà đã từ chối ngay với những lý do cơ bản như: bận, không bố trí được thời gian, đề nghị trao đổi qua điện thoại… 

Khó khăn là vậy nhưng với tinh thần quyết liệt từ phía lãnh đạo nhà trường, đến đầu tháng 10/2024, 100% thầy cô đã hoàn thành nhiệm vụ. Lúc này, cả thầy cô, phụ huynh, học sinh đều thấy chủ trương của nhà trường là đúng đắn và có ý nghĩa vô cùng sâu sắc.

Nhiều giá trị nhân văn

Chia sẻ câu chuyện về những lần đến thăm nhà học sinh, cô Nguyễn Hồng Nhung, giáo viên chủ nhiệm lớp 10A8, Trường THPT Hà Đông cho biết, lớp cô chủ nhiệm có tổng số 28 học sinh. 

   Cô Nguyễn Hồng Nhung, giáo viên chủ nhiệm lớp 10A8 đến thăm nhà học sinh.
   Cô Nguyễn Hồng Nhung, giáo viên chủ nhiệm lớp 10A8 đến thăm nhà học sinh.

“Ngay sau khi được giao nhiệm vụ, tôi nhanh chóng khoanh vùng khu vực sinh sống của từng học sinh. Trước khi đến, tôi gọi điện cho phụ huynh để xin lịch hẹn. Nếu thuận, việc đến nhà học sinh được thực hiện nhanh chóng, dễ dàng nhưng cũng có phụ huynh từ chối, thẳng thắn nói rằng không muốn gặp”, cô Nhung kể lại và cho biết, cô đã phải dùng nhiều cách để thuyết phục phụ huynh. Sau không ít lần gọi điện, phụ huynh cũng hiểu sự chân thành của giáo viên và cuối cùng đồng ý để cô đến nhà.

Còn thầy Lê Xuân Tùng, giáo viên chủ nhiệm lớp 10A9 cho hay, mất gần 1 tháng, thầy mới hoàn thành nhiệm vụ nhà trường giao. Lớp 10A9 có 30 học sinh sinh sống ở các khu vực khác nhau. Có đến 1/5 phụ huynh của lớp ban đầu không muốn thầy đến nhà nhưng sau khi gặp gỡ, chuyện trò với thầy đã trở nên cởi mở, thân tình hơn. 

Theo thầy Tùng, khi nhận lớp chủ nhiệm, hầu hết thầy cô đều có danh sách học sinh kèm địa chỉ gia đình, họ tên, nghề nghiệp của bố/mẹ và nghĩ chừng đó thông tin là đủ. Tuy vậy, nếu có dịp đến nhà học sinh sẽ thấy những điều mình biết thực sự quá ít ỏi.

 Thầy Lê Xuân Tùng, giáo viên chủ nhiệm lớp 10A9: “Sau khi gặp gỡ, chuyện trò, mối quan hệ giữa thầy cô và phụ huynh trở nên cởi mở, thân thiết”.
 Thầy Lê Xuân Tùng, giáo viên chủ nhiệm lớp 10A9: “Sau khi gặp gỡ, chuyện trò, mối quan hệ giữa thầy cô và phụ huynh trở nên cởi mở, thân thiết”.

“Chỉ có đến nhà học sinh mới hiểu được hoàn cảnh thực tế của từng em – những điều nếu chỉ gọi điện sẽ không thể biết hết được. Sau mỗi lần thăm nhà học sinh, tôi lập danh sách với những lưu ý về từng trường hợp. Gia đình học sinh nào có hoàn cảnh khó khăn, tôi đề xuất nhà trường hoặc trao đổi với lớp để có hình thức giúp đỡ phù hợp”, cô Nhung bày tỏ.

Kết thúc học kỳ I, thầy Tùng cô Nhung và các thầy cô giáo Trường THPT Hà Đông càng hiểu và thấm thía về giá trị của việc đến thăm nhà từng học sinh. “Sau khi từ nhà học sinh về, cả hai bên đều hẹn gặp nhau vào dịp gần nhất. Cá nhân tôi chắc chắn sẽ sớm trở lại thăm nhà các em. Tôi coi đây là mô hình hiệu quả giúp phụ huynh - thầy cô - nhà trường đến gần nhau hơn và cùng phối hợp để thực hiện tốt công tác giáo dục”, thầy Tùng cho biết.

Phấn khởi những kết quả bước đầu đạt được trong chiến lược đổi mới toàn diện, nhà giáo Đặng Thị Tách, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Hà Đông, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định: “Đến nay, học sinh của trường đã ngoan ngoãn, nền nếp, kỷ cương hơn. Đội ngũ giáo viên quen với quy định của trường, phát huy sức trẻ, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giảng dạy và tích cực trong hợp tác; từ đó, chất lượng giáo dục của nhà trường ngày một nâng cao”.

Còn phụ huynh Trần Thị Quỳnh Mai bày tỏ: “Trường THPT Hà Đông có môi trường học tập lý tưởng; đội ngũ giáo viên trẻ, nhiệt tình với phương pháp sư phạm hiện đại, luôn hết lòng vì học sinh. Tôi thực sự rất vui và yên tâm khi gửi gắm con mình tại ngôi trường này…”.

 

Với thời lượng học 2 buổi/ngày, học phí 2,5 triệu đồng/tháng, Trường THPT Hà Đông có mức thu học phí thấp nhất trong hệ thống trường tư thục tại Hà Nội hiện nay và cam kết không tăng học phí trong suốt 3 năm. Ngoài học phí, trường không thu bất kỳ khoản tiền nào khác. Song song chương trình của Bộ GD&ĐT, học sinh được học chuyên sâu, tăng cường các môn văn hóa và trang bị kiến thức về kỹ năng sống. Từ nay đến hết 22/1/2025, Trường tiếp nhận học sinh lớp 10, 11, 12 khắp cả nước có nguyện vọng chuyển đến. Để chủ động cho phụ huynh và học sinh, năm học 2025 - 2026, Trường THPT Hà Đông tiếp nhận đăng ký xét tuyển lớp 10 từ 3/2/2025. Mọi chi tiết liên hệ hotline: 084.959.1111.