Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Mục tiêu giảm tối thiểu 40 điểm đen ùn tắc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong giai đoạn 2016-2020, diễn biến trật tự giao thông sẽ còn phức tạp vì sức ép phát triển kinh tế xã hội, tuy nhiên UBND TP.Hà Nội đưa ra mục tiêu, sẽ giảm tối thiểu 40 điểm ùn tắc.

“Cuộc chiến” lâu dài và bền bỉ

Năm 2012, trên địa bàn thành phố có 89 điểm, tuyến đường ùn tắc và có nguy cơ ùn tắc. Đến năm 2014 đã giải quyết dứt điểm 55 điểm, tuyến đường, phát sinh 12 điểm mới. Năm 2015 đã giải quyết được 4 điểm, phát sinh thêm 9 điểm mới. Như vậy, đến nay đã giải quyết được 59 điểm ùn tắc và có nguy cơ ùn tắc, đạt 219% so với kế hoạch đề ra. Đây là kết quả sau 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu giảm ùn tắc giao thông 2012-2015 của Hội đồng nhân dân TP.Hà Nội.

Cụ thể, thành phố đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp để giải quyết tình hình ùn tắc giao thông, trong đó tập trung hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng 11 công trình giao thông như: hoàn thành 7/7 cầu vượt giải quyết những điểm ùn tắc nghiêm trọng; tổ chức phân luồng, đảm bảo an toàn giao thông để thi công các công trình trọng điểm (đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông, đường sắt Nhổn- Ga Hà Nội, nhà ga T2 Nội Bài, đường vành đai 1, vành đai 2, đường 5 kéo dài....); phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải  xây dựng các dự án lớn, giảm ùn tắc trên địa bàn Thủ đô và các cửa ngõ.
Hà Nội: Mục tiêu giảm tối thiểu 40 điểm đen ùn tắc - Ảnh 1
Cần triển khai nhiều biện pháp để chống ùn tắc giao thông. Ảnh minh họa
Mạng lưới vận tải hành khách công cộng cũng được tăng từ 76 tuyến với 404 triệu lượt khách từ năm 2008 lên 91 tuyến với 700 triệu lượt khách. Mạng lưới vận chuyển xe buýt công cộng hàng năm đều được điều chỉnh, mở rộng, phục vụ các khu vực ngoại thành kết nối với trung tâm thành phố…

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng nhìn nhận, nhiệm vụ chống ùn tắc trên địa bàn Thủ đô là “cuộc chiến” lâu dài và bền bỉ, không thể giải quyết trong một sớm một chiều.

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Trong giai đoạn tiếp theo, UBND TP đánh giá, mặc dù số điểm ùn tắc đã giảm mạnh nhưng do tốc độ phát triển kinh tế, xã hội, tốc độ gia tăng phương tiện và dân số nhanh nên tình hình ùn tắc giao thông còn diễn biến phức tạp, khó lường. Ông Phạm Hoàng Tuấn, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đánh giá, tình hình ùn tắc giao thông sẽ vẫn tiếp diễn phức tạp ở khu vực phía Tây thành phố và các tuyến vành đai 3. Vì vậy, tiếp tục phải xây dựng và triển khai Chương trình mục tiêu chống ùn tắc giao thông cho giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, thời gian tới, thành phố sẽ tập trung giảm tối thiểu 40 điểm ùn tắc giao thông và không để xảy ra ùn tắc kéo dài. Dự kiến sẽ cải tạo 50 tuyến đường, nút giao và lắp đặt 56 nút đèn tín hiệu. Lắp đặt cầu thép lắp ghép trên sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét…, dự kiến sẽ lắp đặt 10 dàn Benley; lắp đặt 10 cầu vượt cho người đi bộ.

Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Đường bộ- Đường sắt, Công an TP.Hà Nội cho rằng, giai đoạn tới cũng cần quan tâm đến an toàn giao thông đường sắt.

“Trên địa bàn thành phố hiện có 581 đường ngang dân sinh giao cắt với đường sắt nhưng có đến 401 điểm chưa có rào chắn, đèn cảnh báo. Bên cạnh đó, công tác tổ chức giao thông tại một số điểm, nút, vào những thời điểm cụ thể còn chưa hợp lý. Cần rút kinh nghiệm và có giải pháp trong thời gian tới”, Đại tá Đào Vịnh Thắng kiến nghị.

Bên cạnh đó, ông Đào Vịnh Thắng cho biết, trung bình mỗi tháng, Hà Nội tăng thêm 15.000 xe máy, gây áp lực rất lớn lên hạ tầng. Trong khi đó, ô tô đã có quy định về niên hạn sử dụng, còn xe máy hiện nay vẫn chưa có quy định này, gây khó khăn cho lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát.

Ngoài ra, đầu tư, nâng cấp hệ thống camera giám sát để tăng cường phạt nguội, nâng cao ý thức tự giác chấp hành của người tham gia giao thông.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng, trong 5 năm tới, Hà Nội sẽ có 2 tuyến metro đi vào hoạt động là Cát Linh- Hà Đông và Nhổn- Ga Hà Nội cùng với 1 tuyến buýt nhanh BRT. Do vậy, cần phải có kế hoạch tổ chức, sắp xếp lại giao thông, mạng lưới xe buýt, kết nối mạng lưới công cộng. Ngoài những dự án hạ tầng sẽ thực hiện trong thời gian tới, các ngành, địa phương cần “đột phá” trong cách tuyên truyền, nâng cao ý thức người tham gia giao thông, bắt đầu từ việc giáo dục trong nhà trường…