“3 được” nhờ mô hình lúa chất lượng cao
Theo báo cáo của Trung tâm Phát triển Nông nghiệp (Sở NN&PTNT Hà Nội), Vụ Xuân 2024, toàn TP đã triển khai xây dựng được 17 mô hình sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao tại 16 xã thuộc 8 huyện, gồm: Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Thạch Thất, Sóc Sơn, Mê Linh, Phú Xuyên. Tổng diện tích 650/1.300ha (đạt 50% kế hoạch diện tích năm 2024).
Trong đó, có 30ha sản xuất lúa theo hướng hữu cơ; 100ha sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP; 515ha sản xuất lúa an toàn; 5ha sản xuất theo mô hình lúa – cá. Về cơ cấu giống, có 285ha lúa J02 (chiếm 43,8%), lúa Đài thơm 8 là 185ha (chiếm 28%), 90ha lúa TBR 225 (chiếm 13,8%) và 60ha lúa HD11 (chiếm 9,2%).
Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết, mặc dù thời tiết không thuận lợi, nhưng Trung tâm đã chỉ đạo cán bộ chỉ đạo kỹ thuật thường xuyên bám sát mô hình, điều tra theo dõi tình hình diễn biến sâu bệnh hại trên đồng ruộng. Kết quả thực hiện vụ Xuân 2024 cơ bản đã đạt được cả 3 tiêu chí: năng suất, chất lượng, hiệu quả. Qua đó, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa, góp phần đảm bảo an ninh lương thực của Thủ đô, tạo ra sản phẩm an toàn. Sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường và đáp ứng xu hướng hội nhập quốc tế.
Cụ thể, năng suất lúa an toàn, VietGAP, giống J02 trung bình đạt 6,7 tấn/ha/vụ; giống Đài thơm 8, TBR 225, HD11 đạt trung bình 6,5 tấn/ha/vụ. Năng suất lúa sản xuất theo hướng hữu cơ trung bình đạt từ 5,8 -6,2 tấn/ha/vụ. Năng suất lúa sản xuất lúa – cá giống J02 trung bình đạt 6,4 tấn/ha/vụ, giống Đài thơm 8 trung bình đạt 6,3 tấn/ha/vụ.
Tổng sản lượng thóc vụ Xuân đạt 4.313,3 tấn. Hiệu quả kinh tế sản xuất lúa Japonica (giống J02) sau khi đã trừ tất cả các chi phí và nhân công đạt 32,74 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn giống Khang dân 18 là 27,9 triệu đồng/ha, cao hơn giống Bắc Thơm số 7 là 17,4 triệu đồng/ha. Hiệu quả kinh tế của các giống lúa chất lượng (giống Đài thơm 8, TBR225, HD11) đạt 17,4-23,9 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn giống Bắc Thơm số 7 khoảng 8,5 triệu đồng/ha, hơn giống lúa Khang dân 18 từ 12-19 triệu đồng/ha.
Vụ Xuân năm 2024, cơ cấu giống lúa chất lượng cao chiếm 88% diện tích cấy lúa toàn huyện. Nhờ tham gia các mô hình sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn xuất khẩu của Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội, đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất (đạt trung bình trên 30 triệu đồng/ha), qua đó thúc đẩy phong trào sản xuất, hình thành các vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết.
Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Kim Bài (huyện Thanh Oai) Nguyễn Đình Lâm phấn khởi cho biết, trong vụ Xuân năm nay, HTX sản xuất 35ha lúa Japonica. Thời điểm này diện tích lúa chuẩn bị cho thu hoạch, năng suất dự kiến 65 tạ/ha, cao gần gấp đôi so với giống lúa cũ trước đây.
“Ngoài năng suất cao, giống lúa chất lượng cao sản xuất theo mô hình VietGAP còn bán được giá thành cao hơn, giảm chi phí sản xuất. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này để nâng cao hiệu quả sản xuất” – ông Nguyễn Đình Lâm chia sẻ.
Củng cố chuỗi liên kết, hướng tới sản xuất bền vững
Xác định công tác tiêu thụ sản phẩm là khâu then chốt để phát triển sản xuất được bền vững, nên ngay từ đầu vụ sản xuất, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội đã kết nối các DN vào bao tiêu sản phẩm và triển khai chỉ đạo các HTX xây dựng phương án tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Đến nay đã có 8 DN vào làm việc với các HTX để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Vụ Xuân năm 2024 tổ chức sản xuất tại 16 HTX; kết nối, xây dựng và đẩy mạnh các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, điển hình 1 chuỗi tiêu thụ khép kín từ sản xuất đến chế biến, đóng gói và tiêu thụ gạo tại HTX nông nghiệp Tam Hưng (Thanh Oai), với sản lượng tiêu thụ 200 tấn thóc khô/vụ. 9 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm thóc tươi cho nông dân tại các HTX, xã. Các HTX đã tiêu thụ được 60-70% sản lượng thóc tươi cho các hộ nông dân, số còn lại nông dân để dùng trong gia đình.
Ông Nguyễn Mạnh Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội đánh giá, mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ, VietGAP cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy phong trào sản xuất, hình thành nên các vùng sản xuất lúa hàng hóa. Đồng thời, nâng cao được nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, nông dân về hiệu quả sử dụng đất đai, giảm sử dụng phân bón hóa học, hóa chất trong sản xuất nông nghiệp. Làm thay đổi một số thói quen canh tác cũ, nhằm bảo tồn nguồn thiên địch, cân bằng hệ sinh thái, sản xuất nông nghiệp mang tính bền vững, góp phần giữ ghìn, bảo vệ tài nguyên đất, nước, môi trường bền vững.
Hiện nay với diện tích đất trồng lúa của Hà Nội còn khá lớn, trong khi nhiều nơi chưa khai thác hết tiềm năng đất lúa thì việc đưa những giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế sẽ kéo người nông dân quay trở lại với đồng ruộng, vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa xây dựng thương hiệu gạo hướng tới xuất khẩu.
Mặt khác, trong thời gian gần đây, yêu cầu của thị trường ngày càng cao, quy định của các nước nhập khẩu ngày càng nghiêm ngặt, đòi hỏi chất lượng gạo phải được nâng cao, phải đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đồng thời phát triển diện tích lúa hàng hóa, đưa các giống lúa chất lượng vào sản xuất, từ đó xây dựng thương hiệu, hình thành nên các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ bền vững là chủ trương lớn của Hà Nội trong thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Ngày 6/6, Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội tổ chức hội nghị đánh giá kết quả sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao hàng hóa theo tiêu chuẩn xuất khẩu năm 2024. Tại hội nghị, đã diễn ra lễ ký kết tiêu thụ sản phẩm giữa các HTX sản xuất lúa và đại diện các DN bao tiêu sản phẩm.