Hà Nội: Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền PCCC đến người dân

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quá trình triển khai công tác PCCC, các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đến người dân…

Ngày 9/8, UBND TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị sơ kết triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch trọng tâm của UBND TP về công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) trên địa bàn TP năm 2023.

Dự hội nghị có Thiếu tướng Nguyễn Văn Long - Thứ trưởng Bộ Công an và Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn. 

Xảy ra 3 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng

Theo báo cáo, đến nay, 102.034/108.422 (đạt 94,1%) hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh đã mở lối thoát nạn thứ 2; 1.496.239/1.628.346 hộ gia đình (đạt 91,3%) mở lối thoát nạn thứ 2. Đã có 620.938 hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy xách tay (trong đó có 512.516 nhà chỉ để ở và 108.422 hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh) với tổng số gần 1 triệu bình chữa cháy…

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

30 đơn vị quận, huyện, thị xã đã thành lập 5.362 đội dân phòng tại 5.362 thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố (đạt 100%) với tổng số 5.362 đội trưởng, 5.748 đội phó,  43.950 đội viên; 100% đội viên đội dân phòng đã được huấn luyện nghiệp vụ PCCC và cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC theo quy định. Đội dân phòng đã được trang bị phương tiện PCCC theo quy định. Một số đơn vị đã quan tâm đầu tư, trang bị máy bơm chữa cháy, xe chữa cháy cho lực lượng dân phòng để phù hợp với điều kiện thực tế (Thạch Thất, Hoài Đức).

Trên địa bàn Hà Nội đã thành lập, duy trì hoạt động 7.223 tổ liên gia an toàn PCCC; xây dựng, lắp đặt 18.201 điểm chữa cháy công cộng. Đã tổ chức thực tập 1.044 phương án chữa cháy tại các tổ liên gia trên địa bàn 579 phường, xã, thị trấn.

Quá trình triển khai, nhiều đơn vị đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đến người dân. Điển hình, các quận Hà Đông, Hai Bà Trưng, Ba Đình đã đồng loạt triển khai ngày hội ra mắt Tổ liên gia an toàn PCCC, Điểm chữa cháy công cộng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy tại tổ liên gia, tạo điểm nhấn trong công tác tuyên truyền PCCC đến người dân, mang lại tính lan tỏa cao trong cộng đồng. Xây dựng tờ rơi nội dung hướng dẫn phương án chữa cháy và thoát nạn triển khai tại từng hộ gia đình để người dân chủ động nghiên cứu, tìm hiểu vận dụng khi cần thiết…

Tuy nhiên, tình hình cháy, nổ vẫn có nhiều diễn biến phức tạp, cháy tại loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất vẫn xảy ra.

3 vụ cháy nhà ở hộ gia đình, nhà ở hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh gây thiệt hại nghiêm trọng trên địa bàn khiến 10 người thiệt mạng
3 vụ cháy nhà ở hộ gia đình, nhà ở hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh gây thiệt hại nghiêm trọng trên địa bàn khiến 10 người thiệt mạng

Tại hội nghị, Thượng tá Ngô Thanh Lâm - Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an TP Hà Nội) đã báo cáo rút kinh nghiệm về công tác tổ chức chữa cháy và CNCH đối với 3 vụ cháy nhà ở hộ gia đình, nhà ở hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh gây thiệt hại nghiêm trọng trên địa bàn khiến 10 người thiệt mạng (vụ cháy tại nhà số 24 đường Thành Công, quận Hà Đông sáng 13/5; vụ cháy tại nhà số 12 ngõ Thổ Quan, quận Đống Đa sáng 8/7; vụ cháy tại cửa hàng kinh doanh xe máy điện Ánh Dương, xã An Khánh, huyện Hoài Đức rạng sáng 19/7).

Hiện đại hóa trang thiết bị PCCC

Phát biểu tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long - Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, thời gian qua, Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội, các sở, ngành đã có nhiều chủ trương quan trọng trong công tác PCCC. Qua đó, góp phần giảm thiểu các vụ cháy, thiệt hại do cháy so với trước kia… Công an TP Hà Nội, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã phát huy được vai trò trong công tác PCCC…

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công an cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt tồn tại và hạn chế. Mặc dù tình hình cháy nổ đã giảm về các tiêu chí, song, vẫn còn xảy ra các vụ cháy nghiêm trọng, gây thiệt hại về người và tài sản. Các công trình chưa nghiệm thu PCCC, chưa đạt tiêu chí PCCC, công trình vi phạm hành lang PCCC, vi phạm lưới điện còn cao. Công tác liên ngành PCCC vẫn còn có hiện tượng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Chất lượng mô hình Tổ liên gia chưa thực chất, chưa phát huy hiệu quả; các địa phương chưa thực sự vào cuộc…

Từ những hạn chế trên, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long đề nghị TP Hà Nội tiếp tục thống nhất đúng và đủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an về PCCC và CNCH với phương châm đặt an toàn con người lên trên hết. Hà Nội có đặc thù “ngõ nhỏ, phố nhỏ”, do đó, cần có đánh giá cụ thể để triển khai thực hiện công tác PCCC phù hợp với thực tế. Tập trung thực hiện "4 tại chỗ" trong PCCC, trong đó đề cao vai trò của người dân.

Đặc biệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị 01/CT-TTg năm 2023 về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long đề nghị TP Hà Nội quan tâm dành nguồn kinh phí để hiện đại hóa trang thiết bị PCCC, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, đảm bảo cuộc sống yên vui, hạnh phúc cho người dân trên địa bàn Thủ đô.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu tại hội nghị
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu tại hội nghị

Tăng cường giám sát, chất vấn về xử lý công trình vi phạm PCCC

Tiếp thu các ý kiến của Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết sẽ khẩn trương chỉ đạo các đơn vị xây dựng triển khai các kế hoạch theo các nhiệm vụ, giải pháp đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an nêu tại hội nghị.

Về chỉ đạo tăng cường “4 tại chỗ” của đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn đề nghị lãnh đạo các quận, huyện rà soát theo Chỉ thị của Thủ tướng và Bộ Công an, từ đó rà soát các tổ liên gia an toàn PCCC, điểm chữa cháy công cộng, tăng cường tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng, quy trình, bố trí trang thiết bị phải đầy đủ. Việc vận hành phải thực sự thực chất, tránh hình thức.

Bên cạnh đó, Sở Tài chính chủ trì phối hợp các sở, ngành liên quan và các địa phương thống kê lại tổng kinh phí trang bị cho cơ sở như thế nào để có phân bổ hỗ trợ cho các địa bàn còn khó khăn.

Đối với việc nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, để bảo đảm 100% có bình chữa cháy và được tập huấn PCCC, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn đề nghị các địa phương tăng cường tuyên truyền theo kế hoạch đã được giao. Đồng thời đề nghị HĐND tăng cường giám sát, tăng cường chất vấn về việc xử lý các công trình vi phạm PCCC.