Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) dễ nhận thấy nhất là sức nóng vào mùa hè, hay thời tiết lạnh giá vào mùa đông đã trở nên cực đoan, khiến người Hà Nội sinh hoạt ngày một khó khăn; canh tác, chăn nuôi cũng dễ thất bại...

Trước thực trạng đó, nhiều ban ngành trên địa bàn Hà Nội đã đưa ra một loạt giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của BĐKH như: Phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho người dân; chủ động ứng phó với thiên tai và BĐKH được lồng ghép với các chương trình tổng thể trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội: Chương trình nước sạch nông thôn, Chương trình sử dụng vật liệu mới, Chương trình phát triển giao thông vận tải nông thôn, đô thị, Chương trình phòng tránh thiên tai, Chương trình văn hóa, giáo dục, y tế, Chương trình xóa đói giảm nghèo; tổ chức nhiều cuộc tọa đàm về công nghệ xử lý và truyền thông các thông điệp mới về môi trường, về các hoạt động cải tạo cảnh quan môi trường sống; Ban Tuyên giáo Thành ủy cũng đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường đưa nội dung bảo vệ môi trường vào tài liệu sinh hoạt nội bộ; tổ chức các hội nghị chuyên đề và tích cực giới thiệu các mô hình, điển hình tiêu biểu quản lý môi trường; phối hợp với Thành Đoàn tổ chức Diễn đàn Thanh niên thủ đô với môi trường; phối hợp với Hội Cựu chiến binh thành phố tổ chức Hội thảo giới thiệu chương trình xử lý ô nhiễm các hồ nước, thành lập đội ngũ tuyên truyền viên tại địa phương để giám sát, bảo vệ môi trường hồ; phối hợp với Hội Nông dân triển khai các hoạt động về bảo vệ môi trường trong năm 2013...
 
 
Hà Nội nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu - Ảnh 1
 
Ảnh minh họa.

Sôi nổi nhất trong công tác tuyên truyền thời gian gần đây phải kể đến “Tháng hành động tiết kiệm điện cùng Giờ Trái đất” do Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hanoi) phối hợp với Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Hà Nội (ECC Hà Nội) phát động. Qua đó, 8.000 cán bộ công nhân viên EVN Hà Nội đã ký cam kết sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả...

 

Cũng do đặc điểm là địa bàn có nhiều khu, cụm công nghiệp, làng nghề, khu đô thị, nên để hạn chế những tác hại của BĐKH do phát triển quá mạnh ở các khu, cụm công nghiệp..., TP.Hà Nội cũng đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường khảo sát lựa chọn các địa điểm để đặt trạm quan trắc tự động kiểm soát vấn đề nảy sinh về môi trường; đồng thời phối hợp liên ngành quản lý, đôn đốc các ban quản lý khu, cụm, điểm công nghiệp, các chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc việc đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải trong các khu, cụm, điểm công nghiệp làng nghề. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các trạm xử lý nước thải tại khu, cụm công nghiệp, làng nghề, khu đô thị. Hàng loạt dự án nhà máy, trạm thu gom, xử lý nước thải các huyện ngoại thành đã và đang được triển khai xây dựng như: Dự án xây dựng các nhà máy xử lý nước thải dọc lưu vực sông Nhuệ trên địa bàn huyện Hoài Đức, Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà 1 xử lý nước thải cho 3 làng nghề Cát Quế - Minh Khai - Dương Liễu, công suất dự kiến 12.000-13.000m3/ngày; 2 nhà máy tại thôn Kim Hoàng, phạm vi thu gom, xử lý ở các xã Vân Canh, Di Trạch, Kim Chung và một phần xã Đức Giang, công suất dự kiến 8.000m3/ngày đêm và nhà máy tại xóm Trại Chiêu, xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, giáp kênh tiêu T2-6 và trục đường liên xã Sơn Đồng - Song Phương...

 

Bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với BĐKH là một trong những chiến lược quan trọng của Hà Nội nhằm giảm thiểu tác động của môi trường đến sự phát triển kinh tế, xã hội bền vững. Phát huy những kết quả bước đầu nêu trên, các cơ quan chức năng của thành phố đang tiếp tục nghiên cứu để đưa ra những giải pháp tổng thể bảo vệ môi trường trước các thách thức của BĐKH.