Trong giai đoạn 2021 – 2025 TP Hà Nội có tối thiểu 70% các cơ sở nuôi trực thuộc Sở LĐTB&XH Hà Nội bảo đảm đủ điều kiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, phục hồi chức năng cho đối tượng; và trong giai đoạn 2026 – 2030 đạt 100% các cơ sở nuôi bảo đảm đủ điều kiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, phục hồi chức năng cho đối tượng.
100% đối tượng đang được quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công, trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy được quản lý, theo dõi sức khỏe. Đồng thời phối hợp triển khai phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử theo hướng dẫn của ngành Y tế.
Để thực hiện các mục tiêu trên, UBND TP yêu cầu các sở, ngành có liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, thực hiện khám sàng lọc, khám sức khỏe ban đầu cho đối tượng khi được tiếp nhận vào các cơ sở; mở rộng các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi; chăm sóc, phục hồi chức năng cho người khuyết tật, người tâm thần, người cai nghiện ma túy tự nguyện đáp ứng nhu cầu xã hội.
Cùng với đó là thực hiện tốt công tác nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng; chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng, tẩy độc cho các cựu chiến binh và con cựu binh bị nhiễm chất độc da cam/dioxin do hậu quả của chiến tranh; thực hiện tốt Chương trình Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng cồng. Thực hiện có hiệu quả công tác dự phòng, điều trị, cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.
TP Hà Nội tổ chức thống nhất mô hình y tế tại các cơ sở nhằm phát hiện sớm bệnh tật, quản lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc giảm nhẹ, phục hồi chức năng cho đối tượng. Đồng thời, rà soát, sắp xếp, bố trí đủ số lượng y sỹ, bác sỹ, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên phục hồi chức năng làm việc tại cơ sở theo vị trí việc làm và phù hợp với đặc điểm, nhu cầu và tình hình thực tế của từng cơ sở để bảo đảm theo dõi, thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng cho đối tượng.
Kế hoạch cũng nêu rõ việc đổi mới cơ chế cung cấp dịch vụ, cơ chế tài chính, nguồn lực hỗ trợ cho cơ sở. Cụ thể là vận động nguồn lực khám, chữa bệnh đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, người khuyết tật, người tâm thần, trẻ em, người nghiện ma túy, người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, người nghèo, người có thu nhập thấp; vận động nguồn lực hỗ trợ khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng cho các đối tượng tại các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy.
Đặc biệt là thực hiện có hiệu quả Đề án Vận động nguồn lực bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP; tăng cường huy động các nguồn lực để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe như khám sàng lọc các bệnh tật, hỗ trợ kinh phí phẫu thuật bệnh tim bẩm sinh, bệnh về mắt, dị tật vùng hàm mặt, vận động... cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của TP.