Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội nâng chất lượng đội ngũ cán bộ: Hiệu quả từ cách làm sáng tạo

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xác định đội ngũ cán bộ, công chức có vị trí hết sức quan trọng trong quản lý kinh tế - xã hội, tham mưu hoạch định chính sách, trong những năm qua, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ này thông qua đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá.

 Học viên lớp cán bộ nguồn của TP Hà Nội tại trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong. Ảnh: Chiến Công

Đi sâu bồi dưỡng kỹ năng công tác
Cùng với việc sắp xếp tổ chức bộ máy, việc chuẩn hóa và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ luôn được Đảng bộ TP quan tâm chỉ đạo thực hiện, với nhiều đổi mới, chất lượng, hiệu quả được nâng cao, nổi bật là công tác đào tạo cán bộ nguồn và đào tạo cán bộ cấp cơ sở. Để cụ thể hóa các mục tiêu trong đào tạo, nâng cao chất lượng cán bộ, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Đề án số 04-ĐA/TU, ngày 20/9/2017 về "Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý" với phương châm thiết thực, hiệu quả, gắn với thực tiễn, yêu cầu vị trí việc làm và đánh giá đúng thực chất kết quả học tập. Trong đó, chú trọng đổi mới việc xây dựng nội dung, chương trình giảng dạy, đi sâu bồi dưỡng kỹ năng công tác.

Ở cấp TP, hệ số quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ TP nhiệm kỳ 2020 - 2025 so với nhiệm kỳ 2015 - 2020 tăng từ 1,49 lên 1,98; trình độ chuyên môn thạc sĩ trở lên tăng từ 48,2% lên 73,2%; trình độ lý luận chính trị cao cấp, cử nhân tăng từ 92,9% lên 93,3%... Đây là con số đáng mừng, cho thấy chất lượng đội ngũ cán bộ của TP đang ngày càng được nâng lên.

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo

Ðể bảo đảm "đầu ra" chất lượng, bên cạnh việc mời các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu thuộc lĩnh vực liên quan về giảng dạy, các đồng chí trong Thường trực Thành ủy cũng trực tiếp tham gia giảng bài và làm chủ tịch hội đồng để chấm điểm cho từng đề tài tốt nghiệp của các học viên. Đối với lớp nguồn quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ TP, thời gian khóa học một tháng, nội dung gắn lý thuyết với kỹ năng xử lý công việc và tìm hiểu thực tiễn ở một số địa phương; việc đánh giá kết quả học tập của học viên cuối khóa học bằng phương pháp bảo vệ khóa luận tốt nghiệp trước Hội đồng là cách làm mới, sáng tạo, khoa học, đạt hiệu quả cao.
Chỉ tính riêng năm 2019, với việc tập trung thực hiện Đề án số 04, TP đã hoàn thành tổ chức lớp bồi dưỡng cán bộ quy hoạch nguồn Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ TP nhiệm kỳ 2020 - 2025 với 144 người; nguồn Bí thư, Phó Bí thư các quận, huyện, thị ủy và Đảng ủy trực thuộc Thành ủy nhiệm kỳ 2020 – 2025 với 86 người; nguồn giám đốc sở, ban, ngành TP và tương đương, Chủ tịch HĐND - UBND quận, huyện, thị xã nhiệm kỳ 2021 - 2026 với 84 người. Cùng với đó, tổ chức 2 lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ tiếng Anh giao tiếp đối với cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý với 40 người; chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc tổ chức 13 lớp/1.555 học viên là cán bộ nguồn quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ cùng cấp… tạo chuyển biến tích cực, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ toàn TP.
Chuẩn hóa đội ngũ từ cơ sở
Không chỉ quan tâm đến đội ngũ cán bộ chủ chốt, Hà Nội là địa phương đi đầu trong việc tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho lãnh đạo, quản lý, hướng tới chuẩn hóa đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn. Song song với đó, TP chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức tại các cơ quan hành chính. Việc mở các khóa đào tạo này là bước cụ thể hóa Ðề án “Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức TP Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020”, được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 2315/QÐ-UBND ngày 17/4/2017.
Theo đó, có 1.432 chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, thực thi công vụ. Trong đó, ngoài những kiến thức về lý luận, chính trị, định hướng đổi mới, các chuyên đề về kỹ năng lãnh đạo, quản lý, ý thức, tinh thần trách nhiệm, thái độ ứng xử, phục vụ Nhân dân... được đặc biệt chú trọng. Như nhiều cán bộ cơ sở đã nhận định, với lượng kiến thức vừa phong phú, đa dạng, vừa chuyên sâu, qua lớp học, cán bộ cơ sở có thêm nhiều kiến thức, nhất là kinh nghiệm xử lý các tình huống trong thực tế, giúp hiệu quả công việc được nâng lên rõ rệt.
Thực tiễn cho thấy, cán bộ có năng lực, tâm huyết, lại được bồi dưỡng kỹ năng giải quyết những vấn đề, nhất là những vấn đề khó từ thực tiễn sẽ giúp chất lượng công việc cao hơn. Bởi thế, không chỉ ở cấp TP, bản thân Đảng bộ các quận, huyện cũng chủ động đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ từ quận, huyện tới cấp ủy, chính quyền cơ sở. Như tại quận Tây Hồ, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, quận đã mở 187 lớp bồi dưỡng, đào tạo với hơn 22 nghìn lượt học viên; thời điểm, nội dung từng lớp học cũng được chọn phù hợp từng nhóm đối tượng để tăng hiệu quả. Ðơn cử như để làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, mỗi cán bộ không chỉ nắm vững các cơ chế, chính sách mà còn phải được bồi dưỡng về công tác tuyên truyền, dân vận. Hay về công tác cải cách hành chính, đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến, quận tổ chức các lớp cập nhật những kiến thức về tin học cho các cán bộ, công chức...