Hơn 200 vùng sản xuất lúa tập trung
Hà Nội hiện có khoảng 160.000ha sản xuất lúa. Nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất lúa chất lượng, an toàn VietGAP, hữu cơ, ngành nông nghiệp Thủ đô đã và đang xây dựng vùng trồng lúa tập trung, quy mô lớn, hướng tới xuất khẩu.
Bà Nguyễn Thị Xuân ở xã Liên Hiệp (huyện Phúc Thọ) chia sẻ, vụ Xuân 2023 gia đình bà cấy 3 sào lúa chất lượng cao TBR225 theo hướng an toàn. Đó là giống lúa ngắn ngày, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, nên giảm được khá nhiều công chăm sóc. Kết quả cho thấy, năng suất lúa trồng theo hướng VietGAP đạt từ 6,5 - 7 tấn/ha, hiệu quả kinh tế cao.
Còn tại xã Hòa Phú (huyện Ứng Hòa), trong những năm qua, được sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp Hà Nội, 100% diện tích lúa gieo cấy của xã là giống chất lượng cao và chủ yếu là giống J02 Giám đốc Hợp tác xã Hòa Phú Đặng Huy Cường chia sẻ, toàn xã có hơn 400ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó chủ yếu là trồng lúa và rau màu.
Nhờ gieo cấy lúa J02 mà nông dân địa phương đã tăng thu nhập đáng kể. Hạch toán cho thấy, trừ các khoản chi phí và nhân công, gieo cấy giống lúa J02 cho thu lãi lãi khoảng 29-30 triệu đồng/ha/vụ. Ngoài ra, việc canh tác các giống Đài Thơm 8, TBR225, HD11 cho thu lãi 25 triệu đồng/ha/vụ, cao gấp đôi so với giống lúa truyền thống (Khang dân, Q5...)
Triển khai Kế hoạch phát triển sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao hàng hóa theo tiêu chuẩn xuất khẩu thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội đã đẩy mạnh phát triển sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Đến nay, Hà Nội đã có hơn 200 vùng sản xuất lúa tập trung, với tổng diện tích khoảng 40.000ha; mỗi vùng có diện tích từ 50ha trở lên và có những vùng lên tới hơn 300ha.
Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa thông tin: để mở rộng vùng lúa chất lượng cao, năm 2023, trung tâm xây dựng thêm được 21 vùng sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao tại 20 xã, thuộc 7 huyện (Thanh Oai, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Quốc Oai, Phúc Thọ, Mê Linh, Sóc Sơn), với tổng diện tích 1.375ha (gồm 60ha lúa theo hướng hữu cơ, 5ha lúa thảo dược, 730ha lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, 580ha lúa an toàn).
Đồng thời, trung tâm xây dựng được 3 nhãn hiệu tập thể: “Gạo Japonica hữu cơ Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ”, “Gạo Japonica Mỹ Thành, huyện Mỹ Đức”, “Gạo chất lượng cao Bình Minh, huyện Thanh Oai”, đưa tổng số nhãn hiệu tập thể gạo Hà Nội lên 9 nhãn hiệu tập thể.
“Việc xây dựng thương hiệu gạo Hà Nội không những cho hiệu quả kinh tế cao, mà còn tạo điều kiện cho các hợp tác xã ký kết hợp đồng tiêu thụ với DN, nhằm đẩy mạnh xuất khẩu gạo Hà Nội sang các thị trường nước ngoài” - bà Hoàng Thị Hòa cho hay.
Củng cố chuỗi liên kết lúa, gạo
Báo cáo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, diện tích đất trồng lúa của Hà Nội hiện còn khá lớn, nhưng quy mô sản xuất nhiều nơi còn nhỏ lẻ, manh mún, gây khó khăn cho việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Trong khi đó, trình độ canh tác, nhất là trong thực hiện các biện pháp thâm canh lúa cải tiến của người dân còn hạn chế, dẫn đến hiệu quả kinh tế chưa cao.
Sở NN&PTNT phối hợp với các huyện, thị xã tổ chức lại sản xuất theo hướng quy mô lớn tập trung và có sự liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa các tổ chức nông dân với doanh nghiệp tạo thành các chuỗi ngành hàng. Cùng với đó, sẽ tổng kết các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao để nhân rộng trên địa bàn thành phố." - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương
Để hình thành vùng sản xuất lúa chất lượng cao chuyên canh tập trung, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân từ sản xuất lúa gạo, các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn thành phố đã và đang tập trung tuyên truyền, hướng dẫn thành viên áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện các mô hình khảo nghiệm các giống lúa mới, đưa vào gieo cấy những giống lúa phù hợp.
Song để đạt hiệu quả cao, đại diện các hợp tác xã cũng kiến nghị thành phố tiếp tục qua tâm, hỗ trợ đầu tư nâng cấp đường giao thông, hệ thống thủy lợi nội đồng phục vụ tưới tiêu cho vùng lúa tập trung...
Đề cập về giải pháp, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, Sở truyền, quảng bá, xây dựng và củng cố các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm để đưa DN vào ký kết hợp đồng tiêu thụ với hợp tác xã, góp phần nâng cao giá trị hạt gạo, cũng như tăng thu nhập cho nông dân.
Ngành nông nghiệp cũng xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao giá trị kinh tế từ trồng lúa, kéo nông dân quay trở lại với đồng ruộng; vừa bảo đảm an ninh lương thực, vừa đáp ứng yêu cầu xây dựng thương hiệu gạo Hà Nội, hướng tới xuất khẩu.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục đưa các giống lúa chất lượng cao vào sản xuất. Đặc biệt, trong giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội phấn đấu cơ cấu giống lúa chất lượng cao được gieo trồng đạt hơn 80% diện tích; hình thành từ 3 - 5 chuỗi liên kết nội địa và xuất khẩu gạo.