Điểm đến của các nhà đầu tư quốc tế
Ngày 23/12/2022, Samsung Việt Nam khánh thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển tại khu đô thị Tây Hồ Tây, Hà Nội. Trung tâm có quy mô đầu tư 220 triệu USD, được thiết kế với 16 tầng nổi và 3 tầng hầm, tổng diện tích xây dựng 11.603 m2, diện tích sàn 79.511 m2. Trung tâm được khởi công xây dựng tháng 3/2020 trong giai đoạn Covid-19 và hoàn thành sau 2 năm. Với việc đưa vào hoạt động trung tâm này, Samsung trở thành DN FDI đầu tiên xây dựng trung tâm riêng, chuyên về nghiên cứu và phát triển có quy mô lớn.
Samsung tại Việt Nam bắt đầu thành lập nhà máy sản xuất điện thoại thông minh tại Bắc Ninh năm 2008, sau đó đến nhà máy thứ hai tại Thái Nguyên, khu tổ hợp sản xuất gia dụng tại TP Hồ Chí Minh. Tính đến cuối năm ngoái, tổng vốn đầu tư lũy kế của Samsung tại Việt Nam là 18,2 tỷ USD, dự đoán vượt 20 tỷ USD cuối năm 2022. Việc Samsung triển khai dự án đầu tư Trung tâm R&D tại Hà Nội là minh chứng cho định hướng và cam kết của Samsung hoạt động lâu dài tại Việt Nam.
Một lãnh đạo Samsung Electronics Việt Nam cho hay: “Khoảng 99% trong số 2.000 nhân viên của trung tâm là nhân sự công nghệ địa phương, tốt nghiệp từ các trường ưu tú như Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh và Đại học Hà Nội”.
Tại Hội nghị “Xúc tiến đầu tư, thương mại Hà Nội-Hàn Quốc 2022” ở Seoul, Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Việt Anh nhấn mạnh Hà Nội vừa là Thủ đô, trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế đồng thời là cửa ngõ kết nối Việt Nam với thế giới và Hàn Quốc. Hà Nội đã đóng góp gần 10% giá trị kim ngạch thương mại cũng như kết quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn quốc, chiếm 25% tổng số dự án và 10% tổng vốn FDI của riêng Hàn Quốc vào Việt Nam.
Trong giai đoạn từ tháng 1 - 10/2022, TP Hà Nội thu hút khoảng 116,2 triệu USD vốn FDI từ Hàn Quốc, trong đó có 110 dự án mới với tổng vốn đầu tư đạt 33,7 triệu USD; 66 lượt tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 45,3 triệu USD và 106 lượt góp vốn, mua cổ phần với số vốn góp đạt 37,2 triệu USD.
Tại buổi tiếp Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung tại Việt Nam Choi Joo Ho hồi tháng 9/2022, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đánh giá cao những đóng góp của Samsung Việt Nam cho quá trình phát triển của Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng, khẳng định sẵn sàng tạo điều kiện, hỗ trợ, đảm bảo quá trình triển khai dự án Samsung R&D cũng như các hoạt động của tập đoàn nước ngoài trên địa bàn Thủ đô.
Không chỉ Hàn Quốc, những năm qua, TP Hà Nội luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư.
Sở hữu môi trường đầu tư thông thoáng, chính trị ổn định, kinh tế - xã hội phát triển bền vững, nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao, TP Hà Nội là một trong những địa phương điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực và trên thế giới. Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), nếu xét về số dự án mới, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tập trung nhiều tại những TP lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Với nhiều tiềm năng và lợi thế, vị trí chiến lược của mình, Hà Nội đang vươn lên thành trung tâm tài chính, đổi mới sáng tạo, dịch vụ, sản xuất công nghệ cao trong khu vực Đông Nam Á, mở ra rất nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh cho DN Hàn Quốc trong lĩnh vực môi trường, năng lượng sạch, phát triển hạ tầng, dịch vụ tài chính, nghiên cứu và phát triển (R&D)...
Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội, sau hơn 2 năm bị gián đoạn do đại dịch Covid, từ đầu năm 2022 TP đã xây dựng và triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại cả trong nước và ngoài nước. Đặc biệt trong những tháng cuối năm 2022, Hà Nội đã và đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến gọi vốn đầu tư từ các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singarpore, Đài Loan, Trung Quốc, Mỹ và EU... Qua đó, tăng cường kết nối giữa các tập đoàn đa quốc gia, các nhà đầu tư lớn với TP.
Các nước có số dự án đầu tư lớn vào Hà Nội là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, châu Âu và Mỹ... Dự án đầu tư nước ngoài tập trung vào các lĩnh vực xuất, nhập khẩu, phân phối hàng hóa, xây dựng, công nghệ thông tin, viễn thông, công nghiệp chế biến, chế tạo.
Tăng sức lan toả dòng vốn FDI
Theo Sở KH&ĐT Hà Nội, trong 11 tháng năm 2022, TP thu hút 1.540 triệu USD vốn FDI. Trong đó, số lượng dự án đăng ký cấp mới là 328 dự án với số vốn đạt 206 triệu USD; 181 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 791 triệu USD; 356 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 543 triệu USD. Đây là kết quả tích cực, giúp Hà Nội tiếp tục duy trì vị trí trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI.
Theo Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Nguyễn Ngọc Tú, trong năm qua, TP thực hiện hiệu quả các giải pháp khắc phục khó khăn, phục hồi tăng trưởng. Qua đó, các DN đầu tư tại Hà Nội đã nhanh chóng phục hồi sản xuất, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu.
TP đã xác định cộng đồng DN nói chung, DN FDI nói riêng là động lực quan trọng cho sự phát triển và hội nhập của Thủ đô. Để tạo điều kiện thuận lợi về hạ tầng, TP đang thúc đẩy hình thành mạnh mẽ các khu, cụm công nghiệp tạo điều kiện về mặt bằng thu hút DN, nhà đầu tư… TP đã quyết định phê duyệt "Đề án thành lập từ 2 - 5 khu công nghiệp trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025".
Mới đây, đoàn công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền làm trưởng đoàn đã chính thức sang Hoa Kỳ và Bỉ nhằm tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá, tiếp cận các đối tác truyền thống và mở rộng các đối tác quốc tế mới sau thời gian dài bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19. Theo đó, đoàn đã gặp gỡ, làm việc với nhiều tập đoàn, nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn tại Hoa Kỳ thuộc các lĩnh vực môi trường và xử lý rác thải, tài chính - ngân hàng, công nghệ số và thông tin điện tử, xây dựng và bất động sản, các nhà hàng... cùng đại diện doanh nghiệp kiều bào Việt Nam tại Hoa Kỳ.
Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền, trong những năm qua, Hà Nội luôn nằm trong top đầu cả nước về môi trường đầu tư thuận lợi. Bên cạnh việc thúc đẩy hạ tầng các khu công nghiệp, các chính sách thu hút đầu tư cũng được TP thường xuyên triển khai như cải cách thủ tục hành chính, ưu đãi về thuế, đất đai... Qua đó, thu hút nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của nhiều nước đến TP.
Mục tiêu của Hà Nội là phấn đấu thu hút 30 - 40 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài; vốn giải ngân đạt 20 - 30 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2025. Trên cơ sở đó, TP. Hà Nội định hướng thu hút FDI theo chiều sâu gắn với mục tiêu phát triển bền vững; ưu tiên những dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao.
Thời gian tới Hà Nội sẽ tập trung thu hút đầu tư nước ngoài theo chiều sâu gắn với mục tiêu phát triển bền vững; ưu tiên những dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao tập trung vào các lĩnh vực: phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, xây dựng TP thông minh; công nghiệp hỗ trợ sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; các dự án lĩnh vực công nghệ thông tin; nghiên cứu phát triển; du lịch, dịch vụ tài chính, ngân hàng; đào tạo nhân lực; nông nghiệp công nghệ cao, thực phẩm sạch an toàn.
Việc hình thành Trung tâm R&D tại Hà Nội là một sự kiện có ý nghĩa, không chỉ là trung tâm R&D hàng đầu khu vực Đông Nam Á mà còn là trung tâm nghiên cứu và phát triển số 1 toàn cầu, khi đi vào hoạt động sẽ không chỉ phục vụ công tác nghiên cứu về các mảng phần mềm, phần cứng, smartphone mà còn phát triển các công nghệ phục vụ công nghiệp 4.0 như ioT, AI… sẽ nơi nuôi dưỡng nhân tài công nghệ thông tin của Việt Nam, sản sinh ra những công nghệ hàng đầu thế giới đồng thời góp phần cho mục tiêu thu hút FDI của Hà Nội theo chiều sâu gắn với mục tiêu phát triển bền vững.
Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài (VAFIE) Nguyễn Văn Toàn