Hà Nội ngập khi mưa lớn: Có nguyên nhân từ xả rác bừa bãi

Công Trình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mùa mưa năm 2021 đến trong thời điểm dịch Covid-19 đang có những diễn biến hết sức phức tạp, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã và đang nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, nếu người dân vẫn vô tư xả rác, đổ dầu mỡ trực tiếp xuống cống thoát nước thì tình trạng ngập úng sẽ khó được cải thiện.

Công nhân thoát nước đội mưa làm nhiệm vụ chống ngập cho Thủ đô.
Còn nhiều nỗi lo
Nhằm hạn chế tình trạng ngập úng, ngay từ đầu năm, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã xây dựng phương án thoát nước và phòng, chống úng ngập; chỉ đạo các xí nghiệp nạo vét hệ thống sông, kênh, mương, cống dọc, tập trung tại trục tiêu thoát nước chính, khu vực thường xảy ra úng ngập. Đồng thời sửa chữa, bảo dưỡng trạm bơm, đập điều tiết; hạ mực nước đệm trên hệ thống thoát nước nhằm đưa nước nhanh nhất về các nguồn tiêu và trạm bơm đầu mối. Cùng với đó, nâng cấp, hoàn thiện sơ đồ vận hành hệ thống thoát nước lưu vực sông Nhuệ, sông Tô Lịch và phương án điều tiết các điểm úng ngập nhằm chủ động chỉ đạo, phối hợp giữa các đơn vị vận hành hệ thống cửa phai, trạm bơm hạ mực nước trên hệ thống, sẵn sàng ứng phó khi có mưa trên địa bàn...

Đặc biệt, ngay từ đầu mùa mưa năm nay, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã huy động 100% công nhân và các phương tiện máy móc, thiết bị ứng trực, xử lý úng ngập tại hiện trường. Đồng thời, vận hành các trạm bơm Yên Sở, Bắc Thăng Long - Vân Trì, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Cổ Nhuế… mở các cửa phai, đưa nước vào hồ điều hòa giúp nước trong khu vực nội thành tiêu thoát nhanh nhất. Tuy nhiên, với những trận mưa lớn có cường độ cao, vượt công suất tiêu thoát nước của hệ thống thoát TP (từ 50 - 100mm/2 giờ) sẽ không tránh khỏi úng ngập. Ví như trận mưa tối 12/5 vừa qua, với lượng mưa trung bình khoảng 100mm, cá biệt tại phố Hoa Bằng (Cầu Giấy) lượng mưa đạt 133,9mm - vượt công suất thoát nước của hệ thống đã khiến nhiều khu vực rơi vào tình trạng ngập úng. Điều đáng nói, mặc dù ngay từ khi trời sắp chuyển mưa, Công ty đã huy động nhân lực, máy móc, ứng trực tại những điểm nóng về tình trạng ngập úng nhưng do lượng mưa lớn, hệ thống thoát nước chưa theo kịp tốc độ phát triển đô thị nên phải sau khoảng 2 tiếng, thậm chí có nơi 3 tiếng khi trời đã tạnh mưa, nước mới rút hết.

Cần sự chung tay của toàn xã hội

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, công nhân cống ngầm Xí nghiệp Thoát nước số 4 (phụ trách quận Đống Đa) Phạm Danh Khoa chia sẻ, để xảy ra tình trạng ngập úng kéo dài có một phần trách nhiệm của người dân, cơ sở kinh doanh. Hiện nhiều hộ dân, cơ sở kinh doanh không lắp đặt hệ thống tách dầu mỡ, dựng bục bệ, cầu dẫn sai quy định gây cản trở hệ thống thoát nước. "Để khắc phục tình trạng ngập úng của Thủ đô, ngoài việc nâng cao năng lực của hệ thống thoát nước, chúng tôi rất mong muốn từng cá nhân, hộ kinh doanh chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong việc đảm bảo VSMT, an toàn hệ thống thoát nước - anh Phạm Danh Khoa bày tỏ.

Thực tế hiện nay vẫn còn tình trạng người dân xả rác vô tội vạ, dầu mỡ đổ trực tiếp xuống cống, thậm chí công nhân sáng vừa khởi thông xong, chiều quay lại đã thấy tình trạng về như cũ. "Hệ thống thoát nước đã quá tải với những trận mưa lớn lại thêm tác động của con người như vậy, chúng tôi có nỗ lực bao nhiêu cũng khó có thể giải quyết được úng ngập" - Phó Trưởng phòng Đối ngoại và Truyền thông (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) Bùi Ngọc Uyên chia sẻ.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, cùng với việc chuẩn bị kỹ lưỡng trong công tác chuyên môn, ngành thoát nước Thủ đô cũng đã yêu cầu các đơn vị, xí nghiệp tiếp tục bám sát hiện trường, thực hiện nghiêm túc quy định 5K của Bộ Y tế. Trong đó, yêu cầu các đơn vị mở sổ nhật ký thi công phòng chống dịch, khai báo y tế, đo thân nhiệt trước và sau ca làm việc tại hiện trường… nhằm hạn chế tối đa rủi ro xảy ra.

Phó Trưởng phòng Đối ngoại và Truyền thông (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) Bùi Ngọc Uyên

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần