Nâng hạng chỉ số môi trường kinh doanh, chuyển đổi số
Trong những năm qua, Hà Nội luôn nằm trong top đầu cả nước về môi trường đầu tư thuận lợi. Niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước dần được nâng lên. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng liên tục từ năm 2012 (xếp thứ 51/63) đến năm 2018 -2020 xếp thứ 9/63 tỉnh, TP.
Chỉ số PAPI (Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam) của Hà Nội năm 2021 đạt 44,45 điểm, xếp thứ 9 của cả nước và nằm trong nhóm 15 tỉnh, TP có điểm tổng hợp cao nhất. Năm 2022 đạt 43,9049 điểm, thuộc nhóm các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư dẫn đầu (nhóm 1).
Các ngành, lĩnh vực liên quan trực tiếp đến DN như thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, điện năng đều được chú trọng để giảm thời gian và chi phí cho DN, như cấp mã số DN tự động cho DN thành lập mới không quá 30 phút; kê khai thuế qua mạng đạt 100%; trao đổi thông tin với DN đạt 100% qua thư điện tử; 99,9% đơn vị tham gia BHXH, BHYT thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử…
Bên cạnh đó, việc gặp gỡ, đối thoại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh cho DN, nhà đầu tư cũng luôn được chú trọng, quan tâm để các DN yên tâm đầu tư tại TP. “TP cũng chú trọng đến hoạt động hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho DN nhỏ và vừa, cụ thể như: bồi dưỡng kiến thức cho hộ kinh doanh; đào tạo kiến thức khởi sự và quản trị…” - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Ngọc Tú dẫn chứng.
Lĩnh vực luôn được coi là khó ở Hà Nội, như tiếp cận đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã có nhiều cải cách thuận lợi cho DN và người dân: Thời gian cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất từ 30 ngày xuống còn 14 ngày. Trong lĩnh vực tín dụng, Hà Nội thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - DN đạt kết quả tốt. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là đối với các dịch vụ công, bao gồm: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội.
Một trong những giải pháp thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho DN của Hà Nội là chuyển đổi số. Hiện xếp hạng chỉ số thương mại điện tử của Hà Nội đứng thứ 2 toàn quốc; tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 78%; tỷ lệ hộ gia đình có truy nhập internet băng rộng đạt 90%.
Trong năm 2023, TP triển khai 3 hệ thống quan trọng là hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính liên thông 3 cấp (còn gọi là phần mềm "Một cửa"); phần mềm quản lý văn bản; phần mềm quản lý đảng viên.
Đầu tháng 2/2023, Hà Nội chính thức khai trương hệ thống thông tin, ứng dụng dùng chung TP Hà Nội. Tại sự kiện quan trọng này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, với việc sớm đưa vào vận hành hệ thống dùng chung đã thể hiện rõ quyết tâm của Hà Nội trong việc thực hiện "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" của Chính phủ.
Ứng dụng này sẽ tạo ra những thay đổi đột phá trong công tác cải cách hành chính, bảo đảm hoạt động của chính quyền công khai minh bạch, hiệu lực, hiệu quả với mục tiêu phục vụ tốt nhất hoạt động của người dân và DN. Đây cũng là công cụ hỗ trợ đắc lực để công tác chỉ đạo, điều hành của hệ thống chính quyền TP được kịp thời, thống nhất, xuyên suốt; đảm bảo công khai, minh bạch, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả dựa trên cơ sở dữ liệu và công nghệ số.
Đầu tư cho cơ sở hạ tầng, hỗ trợ doanh nghiệp
Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, điểm tích cực là bộ máy Hà Nội được thu gọn, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế. Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn nhận xét, xét về dài hạn, một lợi thế khác từ việc mở rộng địa giới còn là dư địa để tăng trưởng với nền kinh tế tri thức. Việc sáp nhập có thể tạo cơ hội cho TP phát triển những lĩnh vực có giá trị gia tăng cao hơn, đòi hỏi chất xám nhiều hơn.
Theo Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM) Hong Sun, TP Hà Nội đang là một trong những địa phương hấp dẫn với các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia, trong đó có Hàn Quốc. Hà Nội luôn là địa phương trong nhóm dẫn đầu về thu hút đầu tư những năm qua. Các chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ và Thủ đô Hà Nội đang có sự thay đổi nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các DN và các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề Thủ đô cần khắc phục như việc tìm kiếm mặt bằng ở Hà Nội khó khăn hơn, đồng thời, chi phí thuê, mua đất, chi phí nhân công ở Hà Nội… cũng cao hơn. Theo bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia phân tích chính sách công Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP). Hiện nay, tỉnh xếp hạng cao nhất chỉ số PCI có điểm số là 72,95/100 và Hà Nội có điểm số 66,74/100.
Chỉ số PAPI của Hà Nội 43,9049 vươn lên lọt vào nhóm thứ nhất trong các tỉnh/TP. Như vậy, có thể thấy rằng, TP vẫn còn nhiều dư địa để đổi mới, cải cách và cần tiếp tục phấn đấu cải thiện hơn nữa trong những năm tiếp theo.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, năm 2023, trước bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của TP để tạo nguồn lực từ thu hút vốn đầu tư cho phát triển
Hà Nội tiếp tục phấn đấu đạt mục tiêu nâng hạng các chỉ số về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Hà Nội đang xây dựng phương án phát triển khu, cụm công nghiệp để phục vụ công tác lập Quy hoạch Thủ đô, đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện tiếp nhận quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc; tập trung đẩy mạnh hạ tầng giao thông, hạ tầng điện lực, viễn thông, thông tin để thu hút các nhà đầu tư.
TP công bố công khai, minh bạch các quy hoạch ngành, quy hoạch phân khu, kế hoạch sử dụng đất theo nhiều hình thức để DN dễ dàng tiếp cận thông tin đầu tư. Hiện Hà Nội đang điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó định hướng phát triển các cực tăng trưởng mới.
Cụ thể, TP trực thuộc phía Bắc sông Hồng trên cơ sở 3 huyện: Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn với chức năng chính là thương mại, dịch vụ, đối ngoại và giao dịch quốc tế, tận dụng lợi thế sân bay quốc tế Nội Bài; TP trực thuộc phía Tây gồm khu vực Hòa Lạc và Xuân Mai với chức năng chính là khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo. Ngoài ra, còn quy hoạch xây dựng sân bay thứ hai ở khu vực phía Nam Thủ đô.
Đặc biệt, Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có vai trò quan trọng trong việc tăng cường kết nối, liên kết vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa. Từ đó tạo ra động lực có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
"Hà Nội có nhiều ưu thế hơn các địa phương khác trên các khía cạnh như vị trí địa lý, nguồn nhân lực, tiềm năng thị trường. Môi trường đầu tư hiện đại, thông thoáng; Chất lượng điều hành kinh tế cũng được cải thiện; Tăng cường hỗ trợ DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa.
Qua đó, các nhà đầu tư sẽ được hưởng những điều kiện tốt hơn, thuận tiện hơn, giảm chi phí nhiều hơn khi thực hiện đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP.
AEON Việt Nam sẽ chú trọng đẩy mạnh hoạt động kinh doanh tại các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành lân cận." - Tổng Giám đốc AEON Việt Nam Furusawa Yasuyuki