“Hà Nội - Ngày Chủ nhật không túi nilon”: Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 30/10, tại Công viên Thống Nhất sẽ diễn ra Lễ phát động chương trình “Hà Nội - Ngày Chủ nhật không túi nilon”. Báo Kinh tế & Đô thị có cuộc phỏng vấn ông Phạm Văn Khánh, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội kiêm Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Bảo vệ Môi trường Hà Nội - đơn vị tổ chức sự kiện này.

- Với nhiều hoạt động giảm thiểu túi nilon trong cuộc sống, khi thực hiện chương trình này, Sở TN&MT Hà Nội muốn gửi gắm điều gì, thưa ông?

Đây là năm thứ 3, UBND TP Hà Nội chỉ đạo Sở TN&MT Hà Nội, Quỹ Bảo vệ Môi trường Hà Nội triển khai chương trình “Hà Nội - Ngày Chủ nhật không túi nilon” trên địa bàn. Mục tiêu của chương trình là tuyên truyền và nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của túi nilon; khuyến khích các doanh nghiệp, siêu thị mở rộng chương trình hạn chế túi nilon.

Như chúng ta đã biết, túi nilon đang sử dụng rất phổ biến trong sinh hoạt và đời sống của nhân dân. Theo thống kê, mỗi ngày Hà Nội sử dụng 70 - 80 tấn đồ nhựa, túi nilon. Khi những vật dụng này thải bỏ lại không được phân loại, tái chế. Túi nilon có nguồn gốc từ dầu mỏ, thời gian phân hủy của túi nilon trong môi trường lên tới hàng trăm năm, do đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe con người. Trong khi đó, việc sử dụng túi nilon hiện nay không kiểm soát được, cộng với ý thức người sử dụng chưa cao. Túi nilon được sử dụng tràn lan ở các chợ, siêu thị khi đi mua sắm, được dùng để đựng thức ăn chín. Việc sử dụng tràn lan như thế ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng.

Với chương trình "Hà Nội - Ngày Chủ nhật không túi nilon", Sở TN&MT Hà Nội mong muốn tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng về tác hại của túi nilon, nâng cao nhận thức của người dân trong việc chung tay bảo vệ môi trường sống. Thay vì sử dụng túi nilon, chúng ta nên sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường, hướng tới không sử dụng túi nilon trong cuộc sống hàng ngày.

- Thưa ông, Hà Nội có kế hoạch và lộ trình để tiến tới cấm sử dụng túi nilon chưa?

Thực tế hiện nay Hà Nội chưa thể cấm được việc này, mà chỉ vận động tuyên truyền người dân hạn chế sử dụng túi nilon. Để nâng cao nhận thức của người dân Thủ đô về tác hại của túi nilon và trách nhiệm của mỗi người với môi trường, chương trình bắt đầu từ một ngày Chủ nhật, và sẽ tạo dần thành thói quen không sử dụng túi nilon trong cuộc sống hàng ngày.

Để giải quyết được tận gốc, hạn chế tối đa việc sử dụng túi nilon, Hà Nội và các địa phương trong cả nước đã cùng làm việc với các Bộ ngành, đề xuất lên Chính phủ, Quốc hội, đưa ra chế tài đánh thuế môi trường đối với túi nilon. Nguồn thu ngân sách đó được sử dụng để phục vụ lại môi trường. Hà Nội khuyến khích, kêu gọi các chủ đầu tư, doanh nghiệp có tâm huyết với môi trường, có năng lực về tài chính, năng lực về lĩnh vực khoa học công nghệ và môi trường, tham gia sản xuất túi thân thiện với môi trường. Thành phố sẵn sàng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đó vay vốn từ Quỹ Bảo vệ Môi trường Hà Nội. Đây cũng là khẳng định quyết tâm của Thành phố đối với nhiệm vụ bảo vệ môi trường, góp phần quảng bá hình ảnh Thủ đô xanh - sạch - đẹp trên trường quốc tế và khu vực. Đồng thời, đưa Hà Nội trở thành thành phố tiên phong trong phong trào hạn chế sử dụng túi nilon vì sự nghiệp bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

- Ngoài chương trình "Hà Nội - Ngày Chủ nhật không túi nilon", Sở TN&MT Hà Nội tổ chức thêm những chương trình, sự kiện gì nhằm bảo vệ môi trường?

Ngoài chương trình "Hà Nội - Ngày Chủ nhật không túi nilon" được tổ chức thường niên, hàng năm Sở TN&MT Hà Nội chủ trì tổ chức, tham gia nhiều sự kiện môi trường, như Tuần lễ quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường, Ngày Môi trường Thế giới 5/6, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, Giờ Trái đất. Sở TN&MT Hà Nội có trách nhiệm trong việc xử lý các ô nhiễm về môi trường, chất thải rắn, xử lý ô nhiễm sông, hồ… Sở TN&MT Hà Nội là cơ quan chủ trì, phối hợp với các quận, huyện tổ chức các hoạt động về môi trường; phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Thành ủy, tham mưu cho UBND TP có kế hoạch chỉ đạo thực hiện.

Chúng tôi luôn tâm niệm, Hà Nội là Thủ đô, là trái tim của cả nước, phải đi đầu trong nhiệm vụ bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

- Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần